Bằng Tường - cảng nhập khẩu sầu riêng lớn nhất Trung Quốc tại Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây) - từng xử lý sầu riêng nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan. Tuy nhiên, kể từ khi sầu riêng tươi của Việt Nam được tiếp cận chính thức thị trường Trung Quốc năm ngoái, cảng này tiếp nhận rất nhiều hàng từ Việt Nam.

Tang Shan, Cục trưởng Hải quan Cảng Bằng Tường, cho biết thời gian gần đây, sầu riêng đang trái vụ nhưng mỗi ngày có hơn 30 container từ Việt Nam nhập khẩu qua cảng.

Dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, 10 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang nước này đạt gần 1,94 tỷ USD, tăng 31 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nong Liqing, Tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu có trụ sở tại thành phố Bằng Tường, đơn vị nhập hàng chục container mỗi ngày, cho biết đến tháng 12 này, công ty đã nhập hơn 1.600 container sầu riêng. "Năm nay, ngoài hàng Thái, chúng tôi bắt đầu nhập nhiều sầu riêng từ Việt Nam", ông Nong chia sẻ.

Fu Jing, thương buôn ở tỉnh Quý Châu đã kinh doanh trái cây nhập khẩu hơn 10 năm, cũng cho hay thời gian gần đây, sầu riêng Việt Nam trở thành lựa chọn mới của bà. "Sầu riêng Thái Lan thường chín vào nửa đầu năm, trong khi sầu riêng Việt Nam vào nửa cuối năm, đã lấp đầy khoảng trống trên thị trường", bà nói.

410356624-733323915384382-8976-4666-6760-1702607983.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=l_Mreuu4BJ5ZZtecY1XkPw

Sầu riêng Việt Nam tại một sự kiện quảng bá ở Thiên Tân (Trung Quốc) ngày 13/1. Ảnh: VCG

Fang Chuangquan bán trái cây ở Bằng Tường cho biết bắt đầu nhập khẩu sầu riêng Việt Nam năm ngoái. "Loại này bán chạy nhất trong số các loại trái cây nhập khẩu. Chúng tôi bán trực tiếp và trực tuyến. Sau đó, chúng sẽ được đưa đi khắp đất nước", thương nhân này nói.

Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc rất lớn. Năm ngoái, thị trường này nhập khẩu 825.000 tấn sầu riêng. Kim ngạch mặt hàng này đứng đầu trong số các loại trái cây nhập khẩu của Trung Quốc, đạt 4,03 tỷ USD, theo số liệu hải quan.

Năm 2022, sầu riêng Việt Nam - với mùa thu hoạch dài và giá thấp hơn - đã được tiếp cận thị trường Trung Quốc theo khuôn khổ Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nước này hiện là thị trường xuất khẩu sầu riêng chính của Việt Nam.

Wang Zhengbo, Chủ tịch một công ty trái cây có trụ sở tại Quảng Tây cho hay công ty ông năm ngoái đã ký hợp đồng với các trang trại Việt Nam có diện tích gần 3.000 ha. "Chúng tôi có kế hoạch nhập khẩu hơn 3.000 container, tương đương 60.000 tấn sầu riêng Việt Nam năm nay", Wang cho biết.

fed1-71-jpeg-5982-1702460127.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-Ci5gAFK5dOl1yw72WXK8A

Nhân viên dán nhãn sầu riêng để xuất khẩu sang Trung Quốc tại một nhà máy ở Đăk Lăk ngày 15/9. Ảnh: Xinhua

Đồng Quang Hải, doanh nhân Việt Nam đã trồng sầu riêng hàng chục năm, cũng nhìn nhận sầu riêng là một trong những loại trái cây phổ biến nhất ở Trung Quốc, có nhu cầu tiêu dùng cao và tiềm năng thị trường rất lớn.

Hiện Bằng Tường trở thành cảng đất liền sầm uất và thuận tiện nhất cho việc trao đổi hàng hóa qua biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đây cũng là cảng đất liền lớn nhất xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc, với gần 300 xe tải vận chuyển sầu riêng, thanh long, mít và các loại trái cây khác làm thủ tục hải quan mỗi ngày lúc cao điểm.

Dữ liệu từ Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) cho biết 10 tháng đầu năm, giá trị trái cây nhập khẩu từ Việt Nam qua cảng Bằng Tường là 11,71 tỷ nhân dân tệ (1,64 tỷ USD) tăng gần 638%. Riêng giá trị nhập khẩu sầu riêng qua cảng này đạt 11,19 tỷ nhân dân tệ (1,57 tỷ USD) tăng hơn 3.000% so với cùng kỳ 2022.

Ngoài Bằng Tường, cảng Hà Khẩu ở tỉnh Vân Nam cũng đã trở thành cảng nhập khẩu sầu riêng nổi tiếng ở Trung Quốc.

Yao Qi, nữ cảnh sát tại trạm kiểm tra biên giới xuất nhập cảnh Hà Khẩu, cho biết nhập khẩu sầu riêng tăng đáng kể đã thu hút nhiều người đến cảng thành lập chi nhánh hoặc văn phòng tại quận nơi có cảng.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày cảng có khoảng 700 lượt xe ra vào. Theo Yao, nước này đã thiết lập luồng xanh để thông quan nhanh chóng các sản phẩm nông nghiệp và phụ phẩm, đồng thời liên tục tối ưu hóa quy trình thông quan. "Quy trình thông quan thuận lợi tại cảng cũng là lý do quan trọng để lựa chọn sầu riêng Việt Nam", bà Fu Jing đánh giá.

Việc Trung Quốc chuộng sầu riêng Việt Nam giúp giá mặt hàng này luôn duy trì mức cao. Hiện, giá sầu riêng của Việt Nam bán tại vườn cho hàng loại 1 là 130.000 đồng với Monthong, 110.000 đồng với Ri 6. Còn hàng loại 2,3 có giá 60.000-90.000 đồng một kg.

Dẫu vậy, đi cùng với nhu cầu tiêu thụ lớn thì mức độ cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc cũng ngày càng tăng.

Sầu riêng Việt Nam có lợi thế về giá và thời gian vận chuyển, chỉ mất khoảng 2 ngày so với 7 ngày từ Thái Lan, nhưng các nhà cung cấp khác cũng có thế mạnh riêng. Thái Lan giữ ưu thế về sản lượng, là nhà cung cấp sầu riêng nhập khẩu chính cho Trung Quốc với khoảng 85% thị phần. Nước này đang chuyển sang vận chuyển bằng tàu cao tốc Lào - Trung Quốc để rút ngắn thời gian vận chuyển.

Hiện sầu riêng Thái không cạnh tranh trực tiếp hoàn toàn với Việt Nam vì có mùa vụ lệch, nhưng sầu riêng tươi Philippines lại khá tương đồng. Nước này đang cung cấp sầu riêng ra thị trường từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Dù mới tham gia xuất sầu riêng tươi từ tháng 4/2023, Philippines đặt mục tiêu xuất ít nhất 54.000 tấn sang Trung Quốc năm nay.

Ở phân khúc cao cấp, Malaysia đã xuất khẩu múi sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc từ 2011. Đến 2018, họ được phép xuất sầu riêng nguyên trái đông lạnh sang Trung Quốc. Dự kiến sầu riêng tươi Malaysia có thể thâm nhập thị trường tỷ dân này vào năm sau, trở thành nguồn cung sầu riêng tươi thứ tư cho Trung Quốc.

Ngoài các đối thủ này, về dài hạn, thị trường Trung Quốc sẽ còn có sầu riêng nội địa, hiện đã có thu hoạch . Theo một số thương nhân, doanh nhân Trung Quốc đã đầu tư trồng sầu riêng tại Campuchia thời gian qua. Do đó, có nhiều triển vọng Campuchia sẽ là quốc gia tiếp theo được cấp phép xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.

Phiên An (theo Xinhua)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022