Đề cập tới sự đột phá về công nghệ, trí tuệ nhân tạo cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang bao phủ khắp các doanh nghiệp, ông Craig Chittick - Đại sứ Australia tại Việt Nam nói "con người vẫn là trung tâm phát triển". 

"Yếu tố then chốt giúp nâng cao năng suất lao động và tăng sự gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp chính là thúc đẩy bình đẳng giới. Đây là chìa khoá nhân sự mà những doanh nghiệp thông minh cần hiểu, nắm bắt", ông Craig nêu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam "Xoá bỏ rào cản và phát triển nguồn nhân lực hiệu quả" ngày 12/12.

Đại sứ Australia tại Việt Nam cũng khẳng định quốc gia này sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt để chứng minh bình đẳng giới tại nơi làm việc mang lại lợi ích cho họ.

Dai-su-Australia-JPG-6142-1544617085.jpg

Ông Craig Chittick - Đại sứ Australia tại Việt Nam.

Chia sẻ điều này, cựu Đại sứ Việt Nam tại châu Âu - Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, thực chất cách mạng 4.0 chủ yếu ảnh hưởng đến các nước phát triển trước khi tác động đến Việt Nam.

Bà phân tích, Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực. Máy móc chưa thể một sớm một chiều thay thế được sức lao động con người, nhất là máy móc tự động hóa. Do chưa chịu tác động nhiều như ở các nước phát triển nên chưa có ảnh hưởng lớn đến thu nhập từ lương, Việt Nam còn đủ thời giờ để chuẩn bị cho việc "robot hóa" trong tương lai.

Cho nên, dù đây được xem là một hạn chế của nền kinh tế tri thức, kinh tế giá trị gia tăng của Việt Nam, nó vẫn có tác dụng nhất định trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực, việc làm cho người lao động. "Nếu biết cách lựa chọn con đường, Việt Nam sẽ hạn chế được tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", bà Ninh chia sẻ.

Năng suất lao động gia tăng nhờ xoá bỏ rào cản giới

Khảo sát nhanh tại diễn đàn, 65% người được hỏi cho rằng chất lượng nhân lực (kỹ năng, kiến thức) đáp ứng các nhu cầu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang là trở ngại với quản trị, phát triển nhân lực của doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ rào cản liên quan tới giới chỉ là 6%.

Bình luận về kết quả này, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển và cạnh tranh nói, con số 6% cho thấy không có nhiều sự phân biệt nam nữ trong kinh doanh, việc làm tại Việt Nam.

Đồng tình, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, đồng Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) nhìn nhận, việc tạo dựng và đảm bảo các giá trị bình đẳng, tạo môi trường công bằng và phát triển cho cá nhân người lao động không phụ thuộc vào các yếu tố giới, tuổi tác... cần được quan tâm và coi là yếu tố đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp.

Do đó, gỡ bỏ các rào cản nội tại trong quản trị nguồn nhân lực, trong đó có bình đẳng giới, cần sự nỗ lực cao từ những người lãnh đao doanh nghiệp. "Đầu tư thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc chính là đầu tư xây dựng nội lực cho doanh nghiệp và là khoản đầu tư mang lại giá trị bền vững", bà Thanh nói.

Trong khuôn khổ diễn đàn, ba doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đã được nhận Chứng nhận Bình đẳng giới giới toàn cầu EDGE (Economic Dividents for Gender Equality - Lợi ích kinh tế từ Bình đẳng giới). Đây là một trong số công cụ đánh giá toàn cầu đo lường mức độ bình đẳng giới tại các doanh nghiệp.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022