Hãng nghiên cứu Capital Economics cho biết số vé bán ra cho thấy khoảng 1,5 triệu khách du lịch sẽ đến Qatar để xem World Cup. Nếu mỗi người ở lại 10 ngày và chi 500 USD mỗi ngày, số tiền họ thu được từ mỗi khách du lịch sẽ là 5.000 USD. Điều này đồng nghĩa Qatar có thể thu về 7,5 tỷ USD năm nay.
Dù vậy, Qatar - một trong những nước có GDP bình quân cao nhất thế giới - đang tập trung vào các gói dịch vụ cao cấp. Nếu có khả năng chi 4.950 USD cho một chiếc vé VIP, bạn có thể thưởng thức đồ uống, một bữa ăn 6 món và giải trí từ căn phòng nhìn ra sân vận động Lusail (Doha).
Du khách có hầu bao rủng rỉnh cũng có nhiều lựa chọn chỗ ở xa xỉ. Một website tại đây chào mời một đêm ở khách sạn giá 4.000 USD và 26.000 USD nếu ở phòng "nguyên thủ quốc gia", với thời gian lưu trú tối thiểu 30 đêm.
Những fan bóng đá bình dân thì có lựa chọn khác rẻ hơn. Họ có thể dùng chung phòng trong một địa điểm gần thủ đô với giá 84 USD một đêm, hoặc nghỉ trong các du thuyền neo tại cảng với giá 179 - 800 USD.
Du khách đi qua một khu chợ truyền thống tại Qatar. Ảnh: Reuters
Theo Ronan Evain - Giám đốc Football Supporters Europe, các chi phí này khiến nhiều người hâm mộ e dè. "Rõ ràng là họ tập trung vào trải nghiệm cao cấp. Nhưng phần lớn người đến xem World Cup là tầng lớp trung lưu. Họ không phải nhóm người có thể trả 5.000 USD một tuần để ở trên du thuyền", ông nói.
Số người không có vé đến xem World Cup năm nay được dự báo giảm, do chỉ những người có vé và các nhóm khách tối đa 3 người mới được vào Qatar trong thời gian diễn ra giải đấu, từ 20/11 đến 18/12. Nhiều người sẽ không ở Qatar, mà ở các nước khác tại Vùng Vịnh và đi khoảng 100-200 chuyến bay mỗi ngày từ UAE, Arab Saui, Kuwait, Oman sang đây.
Nhưng những lựa chọn này cũng chẳng hề rẻ. Tại Dubai, một gói dịch vụ chính thức tại World Cup có giá 1.500 USD, cho 4 đêm ở trong phòng chung, đã bao gồm 1 vé một chiều đến Doha, nhưng không có vé xem trận đấu. Dubai cách Qatar khoảng một giờ bay và được dự báo là điểm đến chủ yếu của khách du lịch xem World Cup.
Dù vậy, ít nhất thì việc di chuyển tại Qatar World Cup cũng khá gần, vì cả 8 sân vận động đều nằm tại Doha hoặc quanh đó. Du khách không cần đi lại quá nhiều như năm 2014 ở Brazil hay năm 2018 ở Nga.
Nhưng vấn đề là Qatar có quá ít lựa chọn. "Tại Brazil hay Nga, anh có thể đi tàu, thuê ôtô, di chuyển 200km trong ngày để đến xem bóng", Evain nói, "Nhưng Qatar không có các lựa chọn đó. Một là không tìm được chỗ ở, hai là chỗ ở quá đắt đỏ. Nhiều người đã phải hủy kế hoạch đến đây vì không đủ khả năng chi trả".
Dù vậy, Sue Holt,- Giám đốc Expat Sport - đơn vị cung cấp các gói dịch vụ chính thức của World Cup tại UAE cho biết có nhiều lựa chọn chỗ ở "để phù hợp với du khách". Mỹ, Anh, Pháp, Mexico, Trung Quốc và Ấn Độ là những nước quan tâm nhất đến gói dịch vụ này của UAE.
Robert Mogielnicki - học giả tại Viện các quốc gia Vùng Vịnh lý giải về các lựa chọn hạn chế tại đây rằng: "Người Qatar không muốn ngập trong các cơ sở hạ tầng dành cho nhóm khách du lịch không có khả năng đến đây thường xuyên". Các số liệu chính thức và báo cáo của Deloitte cho thấy Qatar đã chi khoảng 200 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và các dự án khác kể từ khi giành quyền đăng cai World Cup.
Mogielnicki cho rằng đất nước này sẽ tiếp tục tập trung thu hút khách du lịch giàu có. "Động lực đằng sau các dự án du lịch của khu vực này, đặc biệt là ở Arab Saudi, dường như là cung cấp trải nghiệm xa xỉ".
Hà Thu (theo AFP, AP)