Giá bán lẻ mỗi lít xăng dầu đang được tính dựa trên giá cơ sở - mức giá được cấu thành bởi nhiều yếu tố - trong đó có chi phí kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp. Chi phí kinh doanh gồm premium nhập khẩu (khoản doanh nghiệp đầu mối phải trả cho các nhà cung cấp trong hợp đồng nhập khẩu); premium nguồn trong nước (khoản doanh nghiệp đầu mối trả cho các nhà máy lọc dầu trong nước) và các chi phí khác.
Một trong lý do khiến doanh nghiệp thời gian qua kêu lỗ, đóng cửa không bán hàng là chiết khấu thấp, các chi phí kinh doanh không được điều chỉnh kịp thời so với thực tế.
Sau rà soát, Bộ Tài chính cho biết, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam sau đợt điều chỉnh ngày 10/7 vẫn tăng. Trong đó, xăng RON 92 (loại xăng nền dùng để pha chế E5 RON 92) có mức tăng cao nhất là 83%, xăng RON 95 là 78%, dầu diesel 28% và dầu hoả 61%. Mức tăng này cũng có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp nhập khẩu.
Vì thế, Bộ này dự kiến tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam ở mức 290-560 đồng với mỗi lít xăng; và 160-660 đồng một lít với dầu. Dự kiến các chi phí sẽ được áp dụng từ kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/11. Bộ Tài chính cho hay, cùng với tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam như trên, trường hợp các yếu tố đầu vào không thay đổi, sẽ tác động làm tăng giá cơ sở với xăng dầu.
Theo tính toán của cơ quan này, tăng chi phí làm tăng giá cơ sở xăng E5 RON 92 và dầu diesel dưới 50 đồng một lít; xăng RON 95 gần 150 đồng mỗi lít và dầu hỏa trên 720 đồng một lít.
Người dân TP HCM mua xăng tại một trạm xăng ở quận 1, tháng 11/2022. Ảnh: Thanh Tùng
Với chi phí premium trong nước và các chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, kết quả rà soát của 28/34 doanh nghiệp đầu mối cho thấy không có biến động bất thường, nên chưa điều chỉnh ở kỳ điều hành ngày 11/11 tới. Thay vào đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh ở các kỳ tiếp theo nếu có biến động lớn.
Phương án điều chỉnh trên được Bộ Tài chính đưa ra trên cơ sở báo cáo từ 28 trong số 34 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi về Bộ Tài chính. Bộ Công Thương cũng đồng thuận với đề xuất này.
Trước phương án được Bộ Tài chính đưa ra, hôm nay, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái. Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, cùng Bộ Công Thương và các cơ quan bám sát diễn biến thị trường để chủ động tính toán, xem xét, quyết định điều chỉnh các chi phí kinh doanh xăng dầu.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu hai bộ này không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra trục lợi, buôn lậu và việc điều hành đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và an ninh năng lượng quốc gia.
Từ đầu năm đến nay, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng đã hai lần được Bộ Tài chính điều chỉnh tăng, vào tháng 1 và 7.
Hiện mức premium trong nước đang áp dụng trong giá cơ sở với xăng RON 92 (để pha trộn E5 RON 92) là 1.320 đồng một lít; RON 95 là 1.340 đồng, dầu diesel 30 đồng, dầu hoả và mazut không phát sinh chi phí này do chỉ nhập khẩu
Còn chi phí kinh doanh định mức (chi phí lưu thông xăng dầu trong nước) cũng tăng vào cuối tháng 6. Hiện chi phí này trong mỗi lít xăng E5 RON 92 là 1.250 đồng một lít; RON 05 là 1.050 đồng; dầu diesel 1.000 đồng, dầu hoả 950 đồng và mazut 544 đồng một kg.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được áp dụng lợi nhuận định mức 300 đồng một lít trong giá cơ sở xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, chi phí kinh doanh xăng dầu hàng năm tương đối ổn định, phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài điều chỉnh chi phí, Bộ này góp ý, doanh nghiệp cần rà soát các khâu phân phối, chi phí trung gian... để giảm chi phí kinh doanh xăng dầu.
Hoài Thu