Theo kế hoạch định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố ngày 6/12, Ngân hàng Nhà nước nằm trong 5 bộ và 3 cơ quan ngang bộ dự kiến duy trì, chỉ tinh gọn bên trong.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 ngày 14/12, một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nhắc tới là cần tập trung hoàn thành rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy của Ngân hàng Nhà nước.

Ngành ngân hàng được giao nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp lại bộ máy.

web-jpeg-1734180472-1734180498-2500-1734180597.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zrKn_ZAdRIGocEZo7yCkFg

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc tại hội nghị ngày 14/12. Ảnh: SBV

Trước đó tại cuộc họp gần đây với Phó thủ tướng, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu một số khó khăn trong quá trình sắp xếp. Bà cũng cho biết cần có lộ trình để đảm bảo hoạt động thường xuyên về nghiệp vụ của ngành và bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước. Đồng thời, các vấn đề liên quan đến bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp bộ máy cũng cần lưu tâm.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thời gian qua đã quán triệt nghiêm túc, khẩn trương triển khai việc sắp xếp, tinh giản bộ máy và nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo do Thống đốc Nguyễn Thị Hồng làm Trưởng ban. Theo đó, Ban chỉ đạo xây dựng các phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần một việc, một đầu mối và đánh giá tác động của các phương án.

Hai khối dự kiến giảm lớn nhất đó là chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố và sắp xếp lại Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng từ mô hình tổng cục xuống thành các cục.

Ngoài việc tinh gọn bộ máy, Phó thủ tướng cũng đặt ra các đề bài về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, chuyển đổi số... với ngành ngân hàng trong năm tới.

Nhìn vào kết quả hoạt động 2024, Phó thủ tướng đánh giá Ngân hàng Nhà nước đã đóng góp quan trọng vào mục tiêu của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá.

Báo cáo về kết quả hoạt động 2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã điều hành chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát bình quân 11 tháng ở mức 3,69%. Nhà điều hành cũng đưa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như điều hành tín dụng góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực. Tỷ giá cơ bản ổn định, trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động mạnh.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho các nhà băng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện hỗ trợ nền kinh tế. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, mặt bằng lãi suất cho vay đến nay tiếp tục giảm khoảng 0,96% so với cuối năm 2023.

Trong năm 2024, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt bước tiến quan trọng trong xử lý các ngân hàng yếu kém, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. CBBank và OceanBank - hai trong số ba ngân hàng 0 đồng đã được chuyển giao bắt buộc. GPBank - ngân hàng còn lại và một ngân hàng yếu kém khác là DongABank đang được trình cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt phương án trong năm 2024.

"Với tinh thần rất khẩn trương, hy vọng trong năm 2024, cả 4 ngân hàng đều được chuyển giao bắt buộc", Thống đốc nói. Đồng thời, người đứng đầu ngành ngân hàng nhận định điều này "chưa từng có tiền lệ", đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan, ban, ngành.

Thời gian tới, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nươc khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, kịp thời, hài hòa với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...

Quỳnh Trang

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022