Nhóm nghiên cứu Đại học Amsterdam công bố tách thành công bông khỏi polyester trong vải tổng hợp - một loại vải phổ biến và khó tái chế, hứa hẹn giảm rác thời trang cho ngành công nghiệp chiếm 10% phát thải toàn cầu.

Cùng với sự phát triển của thời trang nhanh, ngày càng nhiều lượng quần áo bị thải ra sau vài lần mặc. Bất chấp nỗ lực quyên góp đồ cũ, 88% quần áo bỏ đi nằm trong bãi rác, theo chuyên trang khoa học môi trường The Conversation.

ta-i-xuo-ng-jpeg-1739759372-2160-1739759850.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CUvx74Mq7T8aDA1f-r7wvQ

Đống quần áo cũ phủ kín bãi cát ở Alto Hospicio, Chile, ngày 13/12/2021. Ảnh: AP

Tại hội nghị khí hậu COP24 năm 2021, các nhà sản xuất nguyên liệu, dệt may, nhãn hàng lớn như Adidas, Aldo, Chanel, Fast Retail, H&M... cùng cam kết lộ trình phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050. Tuy nhiên, theo ước tính của chuyên trang thống kê Statista, ngành này sẽ phát thải 1,2 tỷ tấn CO2 vào năm 2030 nếu các bên không hành động quyết liệt.

Thực tế, ngành thời trang sản xuất hơn 100 triệu tấn mỗi năm, phần lớn bị thải bỏ. Chỉ 1% rác này được tái chế, theo báo cáo của BCG hai năm trước. Tỷ lệ này quá thấp do tính hiệu quả, kinh tế lẫn quy mô của các giải pháp tái chế. Các nhà khoa học từ Đại học Amsterdam cho biết phương thức của họ có chi phí hợp lý, năng suất cao và có thể nhân rộng.

Họ sử dụng axit clohydric siêu cô đặc trên vải tổng hợp polycotton (kết hợp các sợi cotton và polyester). Theo thử nghiệm, một chiếc áo sơ mi cotton sau khi ngâm trong axit chỉ còn lại sợi polyester và nhãn mác.

polyester-residue-from-cotton-6090-5017-1739759850.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=X-q7A0dhem2WhocAZfD04Q

Lượng sợi và nhãn mác còn lại sau khi ngâm áo sơ mi cotton nguyên chất. Ảnh: HIMS / Avantium

Axit phân hủy bông thành dung dịch glucose, để lại các sợi polyester (PE). Hai thành phần này có thể tái chế hoàn toàn trong các bước tiếp theo.

PE có thể tiếp tục ứng dụng trong sản xuất quần áo. Còn glucose là "một thành phần quan trọng" của polyethylene furanoate, vật liệu có nguồn gốc sinh học có thể được sử dụng thay cho polyethylene terephthalate (PET). Avantium, một công ty hóa chất bền vững của Hà Lan, đối tác dự án tách bông và PE, nói PET được ứng dụng trong sản xuất hộp nhựa.

Lượng rác thải thời trang lớn một phần do đặc tính khó tái chế. Trong quá trình dệt, để đảm bảo tính chất của từng loại vải, các sợi thường được dệt cuộn lẫn vào nhau. Trong khi đó, ngành tái chế chỉ xử lý được vật liệu đơn chất, cotton hoặc polyester. Giải pháp trên đã hóa giải được vấn đề này, góp giảm thiểu chất thải đang chôn lấp tại các quốc gia đang phát triển, theo ScienceDirect.

light-transmission-photo-image-3243-5242-1739759850.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v3NY0-uV0Zhdz_VXuoVqCg

Hai mẫu vải polycotton trước (trái) và sau xử lý (phải). Mẫu bên phải trong suốt khi tất cả lượng cotton được loại bỏ, chỉ còn lại polyester. Ảnh: HIMS/Avantium

Dự án nằm trong nhóm dệt may từ phế thải cotton-polyester, được thực hiện trong nhiều năm tại Đại học Amsterdam. Công ty Avantium đã "đầu tư đáng kể" vào quy trình này với hy vọng sẽ mở được cơ sở tái chế vải polycotton công nghiệp và tạo glucose không từ thực phẩm đầu tiên trên thị trường.

"Nhiều bên đang cố gắng thực hiện một trong hai điều trên nhưng chưa bên nào thành công", Gert-Jan Gruter, Trưởng khoa Hóa học công nghiệp bền vững tại Viện Khoa học Phân tử Van't Hoff (HIMS), thuộc Đại học Amsterdam, nói.

Bảo Bảo (theo Yahoo, HIMS)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022