Không ít người cho biết đã bỏ tiền vào sản phẩm "tiết kiệm đầu tư" theo tư vấn của nhân viên ngân hàng với kỳ vọng khoản tiền nhận lại sẽ tốt hơn gửi tiết kiệm thông thường.
Nhưng thực tế đây chỉ là sản phẩm có mục đích chính nhằm bảo vệ rủi ro cho người tham gia. Với loại "bảo hiểm liên kết đơn vị" đang được nhiều ngân hàng bán chạy, quyền lợi sinh lời đầu tư chỉ là giá trị cộng thêm và không được cam kết như những gì nhân viên nhà băng tư vấn.
Bị kê khống thu nhập, khách không đủ sức đóng phí bảo hiểm hàng năm
Nhiều hợp đồng bảo hiểm được ngân hàng bán cho khách dưới vỏ bọc "tiết kiệm đầu tư" có mức phí hàng năm lên tới cả trăm triệu đồng. Điều này đang tạo nên áp lực tài chính với nhiều người tham gia.
Nguyễn Phương (sinh năm 1999, Hà Nội) - một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học - cho biết trước đây khi tới giao dịch ở ngân hàng quen, cô được nhân viên tư vấn và hoàn tất thủ tục tham gia gói "tiết kiệm 5 năm", chỉ trong 40 phút. Hai năm qua, Phương đóng tổng cộng 60 triệu đồng cho gói này.
"Đó là toàn bộ tiền tôi dành dụm để sau vài năm có thể phụ cha mẹ xây được căn nhà kiên cố hơn. Vì vậy, khoản tiền này rất quan trọng, tôi cần sự an toàn cao để rút gốc, lãi", Phương nói.
Tuy nhiên mới đây, Phương cho biết ngỡ ngàng khi hay đó chỉ là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Với thu nhập 8 triệu đồng mỗi tháng và chưa ổn định, cô không thể nào dốc toàn bộ tiền dư chỉ để tham gia một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như vậy. Phương đã làm đơn khiếu nại mong ngân hàng và bảo hiểm hoàn lại tiền.
Chung cảnh ngộ, cô Thanh Xuân (68 tuổi) cho biết hai lần đến gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đã bị nhân viên mời tham gia gói "đầu tư sinh lời 8,7% một năm", thực chất là để ký vào hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Manulife. Hai gói này có phí hàng năm hơn 200 triệu đồng.
"Tôi hiện đã lớn tuổi, lại mắc bệnh ung thư vú và tuyến giáp. Khoản tiền đó tôi mong đầu tư lấy thêm tiền lãi chi trả thuốc thang, nào ngờ lại thành phí bảo hiểm đóng hàng năm. Giờ dừng hợp đồng thì mất hết, còn đóng thêm tôi không có tiền", cô Xuân nói.
Cô Thanh Xuân (68 tuổi) đang mắc hai bệnh ung thư - nói hai lần gửi tiết kiệm đều bị nhân viên SCB "đánh tráo khái niệm" để ký vào hai hợp đồng bảo hiểm tổng hơn 200 triệu đồng. Ảnh: Quỳnh Trang
Ông Trần Hồng Sơn (60 tuổi) cũng cho hay bị nhân viên SCB "lừa" mua hợp đồng bảo hiểm, với mức phí 170 triệu đồng mỗi năm. Vì không có tiền đóng, sang năm thứ hai, nhân viên làm đơn giảm phí bảo hiểm về 36,7 triệu đồng. Ông cho biết đành tiếp tục đóng thêm để hợp đồng không mất hiệu lực. Bởi nếu huỷ hợp đồng, ông sẽ mất trắng 170 triệu phí bảo hiểm năm đầu, chỉ còn lại khoản tiền ở phần đầu tư đóng thêm (không đáng kể).
Ngoài việc bị lừa từ tiết kiệm chuyển sang bảo hiểm nhân thọ, nhiều khách hàng phản ánh một số nhân viên ngân hàng đã cố tình khai khống thu nhập của họ để "chốt" hợp đồng bảo hiểm giá trị cao. Như trường hợp của ông Sơn chỉ sống dựa vào lương hưu và vài trăm triệu gửi tiết kiệm dưỡng già, nhưng hợp đồng kê khai mức thu nhập lên tới cả tỷ đồng từ kinh doanh bất động sản và gửi ngân hàng.
Một số khách hàng khác cũng phản ánh với VnExpress, dù là người làm công việc văn phòng, kinh doanh nhỏ lẻ hay người lớn tuổi đã về hưu, mức thu nhập của họ đều được nhân viên ngân hàng kê khai lên đến tiền tỷ mỗi năm.
Một khách hàng bức xúc với bản hợp đồng bảo hiểm kê khai thu nhập của mẹ ruột - người mua bảo hiểm (66 tuổi) - lên tới con số 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Quỳnh Trang
Việc bán một sản phẩm như vậy, theo người trong ngành bảo hiểm, là rất bất thường. Bà Lê Thị Kim Ngân, một đại lý bảo hiểm lâu năm, cho rằng thông thường đại lý chỉ tư vấn cho khách hàng tham gia khoản phí bảo hiểm tương đương 15-20% thu nhập. Đây là con số an toàn để khách hàng có thể tham gia bảo hiểm dài hạn, và lúc này khoản phí sẽ không phải là một gánh nặng tài chính.
Bà này nói thêm, việc khai khống thu nhập của khách hàng lên hàng tỷ đồng nhằm mục đích hợp thức hóa hợp đồng bảo hiểm với khoản phí cả trăm triệu mỗi năm. Nhân viên nhà băng được hoa hồng cao và đạt chỉ tiêu, nhưng ngược lại, điều này đẩy khách hàng vào cảnh khó khăn khi họ chỉ đóng được một hoặc hai năm rồi không đủ tiền theo tiếp. Nếu hủy vào thời điểm này, khách sẽ mất trắng phần tiền bảo hiểm đã đóng.
Khó nhận lại đủ tiền gốc nếu chỉ đóng phí bảo hiểm 5 năm
Nhiều khách hàng cho biết họ được nhân viên tư vấn "5 năm được rút đủ gốc lẫn lãi". Nhưng thực tế, khả năng lấy lại đủ gốc và lãi sau 5 năm gần như không xảy ra.
Về lý thuyết, khi tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, tiền của khách hàng được phân vào hai rổ được gọi là giá trị tài khoản cơ bản (phí bảo hiểm) và giá trị tài khoản tích lũy thêm (đầu tư).
Với rổ thứ nhất, tiền đóng vào bị khấu trừ rất nhiều chi phí (không được hoàn lại) trước khi được mang đi đầu tư. Trong đó, khách hàng sẽ mất hẳn khoản "phí ban đầu" trong 4-5 năm đầu, thậm chí 7-10 năm ở các sản phẩm khác nhau. Tiếp đến, hãng bảo hiểm thu "phí rủi ro" mỗi tháng trong suốt thời hạn hợp đồng có hiệu lực. Do đó, phần giá trị thực tế được mang đi đầu tư ở rổ này là rất thấp trong những năm đầu tiên, hoặc ở người già cả, có rủi ro cao về sức khỏe.
Rổ thứ hai được gọi là tiền đầu tư thêm, không có giá trị bảo vệ, và chỉ bị trừ phí ban đầu dao động 1-5%.
Tất cả số tiền khách hàng đóng vào hai rổ, sau khi trừ chi phí, được dùng để đầu tư vào quỹ liên kết của hãng bảo hiểm (được gọi là mua đơn vị quỹ). Có nhiều loại quỹ liên kết tương ứng với mức sinh lời và rủi ro khác nhau, tùy thuộc vào danh mục đầu tư gồm cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi...
Phần lớn hợp đồng của khách hàng đang khiếu kiện cho thấy, tiền đóng trong năm đầu tiên bị dồn hết vào rổ thứ nhất, tức là phí bảo hiểm. Theo đó, khách hàng sẽ mất hẳn khoản chi phí tương đương 80-90% tiền đóng năm đầu. Chỉ có khoảng 10-20% số tiền đóng vào được hưởng quyền lợi từ quỹ liên kết đầu tư. Thậm chí giá trị tài khoản cơ bản ở năm đầu có thể âm nếu phí rủi ro quá cao ở người cao tuổi.
Bản chất hợp đồng bảo hiểm là cam kết tham gia dài hạn lên tới hàng chục năm. Do đó, khách hàng huỷ hợp đồng trước hạn (trong 7-10 năm đầu tiên) còn phải chịu phí huỷ hợp đồng. Mức phí này cao nhất trong 3 năm đầu, có thể lên tới 100% phí bảo hiểm ban đầu. Vì thế, nếu khách hàng huỷ hợp đồng trong 2-3 năm đầu gần như bị mất trắng phí bảo hiểm đã đóng (không tính phần tiền đầu tư đóng thêm).
Việc lấy lại đủ gốc đã đóng tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe của người được bảo hiểm, hiệu quả hoạt động của quỹ liên kết mà khách lựa chọn và số tiền đầu tư đóng thêm hàng năm.
Ví dụ, một khách hàng duy trì đóng tiền vào rổ thứ nhất (phí bảo hiểm) theo hợp đồng là 100 triệu đồng mỗi năm, người này vẫn không thu hồi đủ tiền gốc nếu muốn rút tiền vào năm thứ 5, kể cả tỷ suất sinh lời của quỹ liên kết đạt mức lý tưởng 15% một năm (giai đoạn 2008-2020, quỹ tăng trưởng có mức sinh lời cao nhất của Manulife là 15,7% một năm). Điều này do tiền đóng vào bị trừ chi phí ban đầu, phí rủi ro, phí hủy hợp đồng.
Khách hàng sẽ càng lỗ nặng hơn nếu quỹ hoạt động không hiệu quả, ví dụ như năm 2022, tỷ suất sinh lời của quỹ đầu tư cổ phiếu thậm chí lỗ lên tới vài chục phần trăm.
Còn nếu khách hàng này giảm phí bảo hiểm từ năm thứ hai hoặc năm thứ ba (theo gợi ý của nhân viên ngân hàng) xuống khoảng 12 triệu đồng một năm, khách hàng sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền gốc nào nếu dừng đóng phí ở năm thứ 5. Phí phạt hủy hợp đồng cao hơn giá trị tài khoản của khách hàng vào thời điểm đó nên khi chấm dứt hợp đồng, khách sẽ nhận về 0 đồng (không phải bù phí).
Theo quy định, hãng bảo hiểm phải khuyến cáo khách hàng ngay từ khi giao kết hợp đồng về việc tránh giảm tiền bảo hiểm đột ngột (việc giảm tiền bảo hiểm chỉ là trường hợp bất đắc dĩ nếu khách hàng bị mất hoặc giảm thu nhập). Tuy nhiên điều này theo nhiều người khiếu nại, họ không hề được tư vấn viên đề cập đến.
Để "gỡ gạc" lại, nhân viên một số nhà băng tư vấn khách hàng rót thêm tiền vào rổ thứ hai, tức đóng thêm tiền vào tài khoản tích lũy (chỉ chịu phí 1-2% mỗi lần đóng tiền). Nếu quỹ đầu tư thuận lợi và sinh lời tốt, khách hàng có thể bù đắp phần nào chi phí bị trừ ở rổ thứ nhất là tài khoản cơ bản. Nhưng khách hàng phải lưu ý tỷ suất lợi nhuận đầu tư này là không cam kết. Khách hàng được hưởng toàn bộ kết quả cũng như chịu mọi rủi ro trong đầu tư.
Tuy nhiên, trên thực tế khách hàng có thể chủ động đầu tư vào chứng chỉ quỹ qua nhiều kênh khác, không nhất thiết phải đi kèm bảo hiểm nhân thọ.
Xử lý hợp đồng bảo hiểm "đội lốt" tiết kiệm đầu tư thế nào?
Theo đơn khiếu nại của nhiều người, một số hợp đồng bảo hiểm "đội lốt" tiết kiệm đầu tư hiện chưa mang lại quyền lợi tối ưu cho họ khi chỉ có quyền lợi tử vong, thương tật do tai nạn mà không đi kèm những quyền lợi quan trọng khác như bệnh hiểm nghèo, nằm viện, phẫu thuật, hay mất sức lao động.
Bên cạnh đó, các điểm trên hợp đồng như tình trạng sức khoẻ - bị kê khai không trung thực. Nhiều hợp đồng bán cho người già nhưng tiền sử sức khỏe lại không có bất kì vấn đề gì, tất cả câu hỏi về sức khỏe đều được trả lời "Không". Thậm chí, những khách hàng này còn phản ánh mình chưa bao giờ được hỏi những câu hỏi có trong bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.
Tất cả thông tin kê khai không trung thực như thu nhập, tình trạng sức khỏe theo đại lý bảo hiểm Lê Thị Kim Ngân, đều trở thành bất lợi cho khách hàng. Điều này có thể dẫn đến hãng bảo hiểm đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm mà không giải quyết quyền lợi bảo hiểm cũng như không hoàn lại phí đóng do "khách hàng đã vi phạm nghĩa vụ kê khai trung thực".
Nhìn chung, một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giao kết mà "không dựa trên ý chí" của khách hàng sẽ nảy sinh nhiều điểm bất thường khiến khách hàng là người chịu thiệt.
Theo Luật gia Trần Nguyên Đán, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP HCM, ngân hàng là đơn vị môi giới sản phẩm này phải có trách nhiệm để bảo vệ khách hàng. Không phải dĩ nhiên mà hàng loạt người cùng tố cáo bị nhân viên ngân hàng "gài bẫy" bởi cùng một kịch bản.
Ngân hàng có chủ trương cho nhân viên tư vấn sai hay không, ông Đán đặt câu hỏi. Nếu họ khẳng định không, vậy sai sót này là của một vài cá nhân. "Theo đó, ngân hàng trên cương vị là bên bị hại, bị nhân viên dưới quyền lợi dụng tín nhiệm và thương hiệu ngân hàng để lừa gạt khách hàng, cũng phải vào cuộc quyết liệt xử lý những cán bộ đó", ông Đán nói.
Còn phía công ty bảo hiểm, trước tình trạng đáng báo động xảy ra với kênh bán chéo sản phẩm qua kênh ngân hàng như hiện nay, họ nên có trách nhiệm rà soát lại các hợp đồng bán qua kênh này để xác định xem "các hợp đồng được giao kết có thực sự dựa trên ý chí của khách hàng hay không".
Quỳnh Trang