Trước đó, đơn hàng được chị Quý đặt của một siêu thị liên kết trên ZaloPay sáng 11/7 và ứng dụng báo chờ 1-3 ngày để nhận hàng. "Lúc đó, tôi gọi thử lên tổng đài được báo rằng đơn hàng 7 ngày nữa mới giao vì quá tải và hàng về không đủ", chị Quý kể và cho biết, đến hôm nay gần được tuần nên quyết định gọi tổng đài lần nữa và được báo vẫn còn phải chờ. Lúc này, không đợi được nữa chị đành nhắn hủy đơn luôn.
"Trưa nay tôi lên ứng dụng này thử đặt lại lần nữa thì được báo 'Hệ thống đang bảo trì", chị nói.
Không chỉ chị Quý, nhiều người tiêu dùng TP HCM vừa có một tuần trải nghiệm đi chợ trực tuyến không mấy thoải mái so với xếp hàng đi siêu thị khi đơn liên tục bị huỷ, hẹn hoặc báo lỗi. Đến hôm nay, một số người vẫn rất khó tìm được thực phẩm tươi sống trên các nền tảng, nếu đặt được đơn hàng giao tức thì (on-demand) thì khó tìm tài xế, còn đặt qua các sàn, thời gian giao bị đội lên nhiều lần so với thông thường.
Kênh liên kết bán hàng của một siêu thị trên ZaloPay, nơi chị Quý đặt mua bánh mỳ, tạm dừng hoạt động hôm 16/7. Ảnh: Viễn Thông.
"Hàng mua trực tuyến chọn 5 món, có đến 3 hết hàng. Món nào giao sớm nhất cũng mất 3 ngày nên tôi nản quá đành đi ra cửa hàng tiện lợi hay siêu thị xếp hàng", chị Vy (quận 1) cho biết. Chị sống ở một chung cư 6 tầng với nhiều khu vực xung quanh đã bị phong tỏa.
"Bách Hóa Xanh và VinMart+ trong khu vực nhà tôi đều đã bị giăng dây. Cả khu 6 khối nhà chỉ còn mỗi cái Co.op Smile nhỏ xíu, dòng người xếp hàng dài ngoằn nên có khi 2 ngày liền tôi không mua được một quả trứng", chị Vy tả thêm.
Chị Mỹ (quận 7) cũng từ bỏ việc đi chợ trực tuyến và trở về với giải pháp xếp hàng ở siêu thị. Chị cho biết mua trên Now và Grab hoặc là cửa hàng không nhận nữa, hoặc hẹn sau 2-3 ngày giao. Mua trực tiếp trên Facebook thì cửa hàng báo quá tải, yêu cầu chuyển khoản trước và tự đặt tài xế qua lấy.
"Thanh toán rồi, đến khâu đặt Grab đến lấy hàng mãi không được, phải chờ 2-3 tiếng mới có tài xế nhận. Nói chung tôi thấy cửa hàng quá tải, dịch vụ vận chuyển cũng quá tải", chị Mỹ nói và cho biết một số bạn bè hôm 16/7 còn chia sẻ nhiều đơn hàng bị nhắn tin thông báo hủy vì địa điểm nhận trong vùng phong toả.
Theo thông tin từ các nền tảng giao hàng và thương mại điện tử, lượng khách liên tục tăng nóng trong suốt tuần qua. Be cho biết, trong 2 ngày 13 và 14/7, ứng dụng nhận được yêu cầu về giao hàng và đi chợ hộ tại TP HCM tăng 1000% mỗi khung giờ so với mức trung bình của các ngày gần kề trước đó.
"Lượng yêu cầu tăng cao này dẫn đến việc tài xế phải hoạt động tối đa công suất. Bên cạnh đó, các chuyến giao hàng trong giai đoạn này thường có lộ trình dài hơn thông thường, dẫn đến thời gian hoàn thành mỗi đơn hàng lâu hơn so với trước đây." đại diện Be cho biết.
Theo chia sẻ của một số sàn thương mại điện tử, việc người dùng đi chợ mạng vất vả tuần qua xuất phát từ nguồn cung và tổ chức vận chuyển. Theo đó, do lượng thực phẩm về TP HCM bị hạn chế nên việc các kênh offline thiếu hàng cục bộ cũng đồng nghĩa kênh online không có hàng.
"Lượng truy cập và tìm kiếm thực phẩm có thể tăng nhưng do nguồn cung thực phẩm đang thấp nên sản lượng bán ra trên sàn ước cũng không tăng đột biến", đại diện một sàn thương mại điện tử nhận định sơ bộ.
Cũng chia sẻ với VnExpress, một sàn thương mại điện tử khác cho biết, họ có vài ngày gặp khó về một phần nguồn cung do có kho hàng của đối tác rơi vào vùng phong tỏa. "Đến ngày 16/7, chúng tôi đổi nhà cung cấp nên đã nối lại hàng hóa trên hệ thống", đại diện sàn nói.
Để giải quyết nhu cầu ăn uống, ngoài việc trở lại xếp hàng ở kênh offline, nhiều người tiêu dùng chọn cách đi chợ trực tuyến kiểu khác. Những người ở các chung cư đặt mua trên các nhóm cộng đồng trực tuyến hàng hóa của nhau, thường gọi là chợ chung cư. Số khác mua mỗi món một ít từ những bạn bè, đồng nghiệp đang kiếm thêm bằng cách nhập rau củ quả từ quê vào kinh doanh. Tại một số chung cư, phong trào gom đơn mua chung cũng nở rộ.
"Chung cư tôi vừa bị giăng dây lần 2 chiều 16/7, cộng đồng cư dân vừa lập ra một nhóm chuyên gom đơn đặt chung thực phẩm hàng ngày để mua sỉ với giá tốt hơn, và tương trợ đầu mối cung cấp cho nhau", chị Nga ở phường 16, quận 8 cho biết.
Trước khi hay tin bị phong toả, chị Nga cũng đã mua một kg sườn non, nửa kg chả cá thác lác trên Tiki và GrabMart. "Sườn là hàng đông lạnh nhập khẩu thôi. Giờ lên ứng dụng mà mua thịt heo thì đa số là heo nhập khẩu Nga, Mỹ, Brazil. Cả chả cá tôi mua cũng là hàng công nghiệp đóng gói đã lâu chứ không phải tươi. Nhưng lúc này đành chấp nhận dự trữ thêm mấy món đó", chị nói.
Các nền tảng cho biết đang cố gắng giải quyết những điểm tắc trong phạm vi khả năng. Sendo nói bắt đầu chuyển sang bán thực phẩm, nhu yếu phẩm theo combo soạn sẵn để tránh nạn đầu cơ. Trong khi đó, Be cho hay đang có chương trình hỗ trợ tài xế ôtô chuyển đổi tạm thời sang hai bánh để giúp tăng thu nhập và cũng bổ sung thêm lực lượng giao hàng. Các tài xế của họ cũng được tăng ưu đãi khi nhận chuyến tại TP HCM.
Viễn Thông