Thông tin trên được Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) nêu tại hội thảo xóa sổ tín dụng đen, ngày 30/11.
Ông Tùng cho biết tội phạm truyền thống vốn hoạt động dưới dạng băng đảng, dán quảng cáo cho vay ở cột điện, đường phố. Tuy nhiên, ngày càng nhiều tội phạm kết hợp công nghệ, lập cơ sở kinh doanh cầm đồ biến tướng, lập website và dùng mạng xã hội để tiếp cận người vay. Thậm chí, nhiều đường dây tội phạm áp dụng công nghệ hoàn toàn, lập các ứng dụng giả mạo ngân hàng để dụ dỗ, mời chào vay tiền.
Ông Tùng cho biết cơ quan công an phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga...) đến Việt Nam thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính. Sau đó, các đối tượng này tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng lên đến hơn 1.000% một năm.
`Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an). Ảnh: Quang Định
Cơ quan công an thời gian qua đã triệt phá nhiều người "núp bóng" doanh nghiệp, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.
Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với công an các thành phố đã bắt hàng nghìn đối tượng thành lập ra các công ty luật nhưng thực chất là đi đòi nợ. Chúng gọi điện chửi bới, đe dọa giết người thân của khách vay, rồi ghép hình tung lên mạng xã hội để bôi nhọ, đe dọa cho mất việc làm. Thậm chí có trường hợp còn mang quan tài, can xăng đến nhà, cơ quan của người vay, ông Tùng nói.
Trước thực trạng này, Thượng tá Lê Duy Sâm, Phó phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP HCM cho biết xử lý cho vay nặng lãi là một đầu việc mà thành phố tập trung trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc thu thập bằng chứng và công tác đấu tranh tín dụng đen gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, nhiều đối tượng lợi dụng công ty tài chính, lập các hợp đồng cho thuê không đề cập lãi suất để tránh bị xử lý. Về phía nạn nhân, nhiều người cũng không hợp tác với công an, bởi chính họ cũng có những mục đích vay không chính đáng...
Cũng theo ông Sâm, chế tài xử lý hiện nay với tội cho vay lãi nặng còn quá nhẹ. Hiện, chỉ có hai khung quy định gồm thu lợi bất chính từ 30 đến 100 triệu đồng và khung trên 100 triệu đồng. Người thu lợi bất chính 100 triệu đồng cũng bị xử lý tương tự đối tượng thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, tối đa 3 năm tù. "Cần nâng cao chế tài xử phạt tội phạm tín dụng đen để răn đe", ông Sâm chia sẻ.
Các chuyên gia tại hội thảo đều nhận định, việc xóa sổ tín dụng đen là một chặng đường dài, đòi hỏi đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy nhiên, một vấn đề nhức nhối hiện nay là trong bối cảnh cơ quan quản lý rốt ráo xử lý tín dụng đen "núp bóng", nhiều người dân nảy sinh tâm lý bùng nợ, chây ì ngay với cả các công ty tài chính chính thống, được cấp phép.
Tại hội thảo, các công ty tài chính chính thống cho biết hoạt động của họ cũng đang lao đao. Ông Marcin Figlus, Giám đốc Quản trị rủi ro Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit), cho biết các công ty tài chính tiêu dùng đang đối mặt với một vấn đề nan giải chung, là hoạt động bùng nợ có tổ chức bộc phát trong xã hội.
Một bộ phận khách hàng cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ chính đáng của các công ty được cấp phép là phạm pháp để tẩy chay và chây ỳ việc trả nợ. Tỷ lệ khách hàng "vay mà không trả" gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, bất lợi hiện nay với các công ty tài chính là chưa có chế tài xử phạt người đi vay, việc khởi kiện gặp khó với các khoản vay giá trị thấp. Vì thế, các công ty tài chính tiêu dùng, bao gồm cả FE Credit bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu tăng cao, ông Marcin nói.
Nhiều khách hàng thậm chí đe doạ, khủng bố "ngược" nhân viên thu hồi nợ. Đại diện FE Credit cho biết trong hai năm 2019 và 2020, công ty chỉ ghi nhận hai trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị người vay hành hung. Tuy nhiên từ 2022 đến nay, có tới 24 vụ việc.
Đại diện Bộ Tư Pháp Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Pháp luật dân sự - kinh tế, cũng nhận định các quy định hiện hành vẫn tiếp cận theo hướng người đi vay là bên yếu thế và có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho họ. Bà cho rằng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng, đảm bảo lợi ích chính đáng của công ty tài chính tiêu dùng.
Bên cạnh đó, bà Thanh đề xuất khống chế trần lãi suất cho vay tiêu dùng, bao gồm các khoản phí không hợp lý. "Lãi suất quá cao là không công bằng quyền lợi với người vay", bà nói.
Đại diện Bộ Tư pháp nói Việt Nam chưa có quy định cụ thể về trần lãi suất tối đa với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính. Trên thực tế, nhiều người không ý thức được hết các khoản phí kèm theo khi đi vay, vì vậy khi trả tiền, họ thấy "ngợp" với số tiền phải trả, cũng nảy sinh tâm lý bùng nợ. Nhật Bản đã cố định trần lãi suất cho vay tiêu dùng 20% bao gồm cả các khoản phí, phạt khác. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây vẫn là điểm mờ không hợp lý trong quan hệ vay tiêu dùng.
Lãi suất và các khoản phí cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, theo bà Thanh, tương đối cao so với các nước. Mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến mà các công ty tài chính áp dụng dao động 40% đến 50% một năm, thậm chí lên tới 80% một năm.
Gần đây có vụ việc chuỗi công ty cầm đồ đã thỏa thuận với người đi vay lãi suất 14% một năm, nhưng khi tính các chi phí thẩm định, bảo quản tài sản, phí phạt trả chậm... thì lãi suất thực tế lên đến 100% một năm. "Những chi phí khác, ngoài chi phí hợp lý nên được coi là lãi suất", bà Thanh nói. Việc áp dụng trần lãi suất 20% như Nhật Bản, theo bà, là chính sách Việt Nam cần tham khảo.
Trên thực tế, Giám đốc Khối quản trị rủi ro của FE Credit cho biết chi phí nhắc nợ, chi phí tuyển dụng, đào tạo... leo thang trước tình trạng bùng nợ, càng bào mỏng lợi nhuận của nhóm công ty tài chính tiêu dùng. "Đây cũng là lý do chúng tôi không thể giảm lãi suất thêm trong bối cảnh hiện tại", ông nói.
Việc áp dụng trần lãi suất cho vay, ví dụ là 20% một năm, theo lãnh đạo công ty tài chính có thể là giải pháp khả thi tại Việt Nam trong dài hạn. Tuy nhiên, bà Olena Khlo, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội nói, cần nhiều giải pháp đồng bộ tăng cường nhận thức người đi vay và các quy định, chế tài xử lý khi vi phạm nghĩa vụ vay mượn để hỗ trợ các công ty tài chính giảm chi phí trước khi hạ lãi suất về mức mong muốn.
Quỳnh Trang