Nói với VnExpress chiều 30/11, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết năm nay, 3 doanh nghiệp gồm Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (giống gạo ST24, ST25), Lộc Trời (giống Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9) và Thaibinh Seed (Nếp A Sào và TBR39-1) đã gửi gạo dự thi.

Ông Cường cũng nói, khác với mọi năm, Ban tổ chức không trao giải cho loại gạo cụ thể nào của Việt Nam gửi sang, mà "tôn vinh chung hạt gạo Việt". Cuộc thi năm nay hơn 10 quốc gia và 30 mẫu gạo tham gia.

Đây là lần thứ hai gạo của Việt Nam đạt giải gạo ngon nhất thế giới tại hội thi này. Lần đầu tiên gạo ST25 đạt giải nhất năm 2019.

cua-1701324911-5772-1701325201.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gtxRAaLDsZsjXBarARdisg

Ông Hồ Quang Cua, một trong những đại diện có giống gạo đi dự thi, lên nhận giải tại Philippines. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo ông Hồ Quang Cua - cha đẻ của giống gạo ST25 - sau khi đạt giải gạo ngon nhất năm 2019, với dòng 68-10, ông và các cộng sự tiếp tục thanh lọc bằng cách trồng thuần từng cá thể lúa và đến 2021, dòng 72-6 được phát hiện.

Không có hình dạng nổi trội bởi cây lúa 72-6 thấp và hơi xiên nhưng chúng ít đổ ngã, trổ sớm hơn 5 ngày so với dòng 68-10. Hạt gạo ngắn hơn dòng cũ khoảng 0,2mm. Dòng lúa này cũng có tỷ lệ thu hồi gạo tốt hơn dòng 68-10 tầm 0,5%.

Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới là sự kiện thường niên quốc tế được The Rice Trader (Mỹ) tổ chức lần đầu năm 2009 với mục tiêu tìm hướng đi và xu hướng cho thị trường lúa gạo.

Năm 2019, tại Hội nghị gạo thế giới TRT thường niên lần thứ 11 ở Philippines, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã giành được giải thưởng cao nhất với loại gạo ST25. Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ hai tại cuộc thi tổ chức năm 2020.

Năm ngoái, Campuchia đã đoạt giải nhất cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới được tổ chức tại Phuket, Thái Lan. Còn Việt Nam, Thái Lan và Lào nằm trong top 4.

Thi Hà - Phương Ánh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022