Một số câu hỏi quan trọng trước khi đầu tư

Với nhà đầu tư cá nhân, dù đầu tư kênh nào, việc đầu tiên vẫn là nhìn lại thu nhập, chi tiêu và xác định được mục tiêu đầu tư cũng như khẩu vị rủi ro của mình. Từ đó, mỗi người có thể đưa ra lựa chọn nơi rót vốn phù hợp, tránh bị dẫn dắt đầu tư theo đám đông hoặc tâm lý hoảng loạn trước các biến động của thị trường.

Đầu tiên, bạn hãy làm rõ mục tiêu tài chính; dự định đầu tư ngắn hay dài hạn; và mức lợi nhuận kỳ vọng.

Câu hỏi thứ hai chính là tình hình tài chính hiện tại của bạn như thế nào. Bạn có bao nhiêu tiền nhàn rỗi để đầu tư, khoản tiền này nếu biến động có ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn và liệu bạn đã có quỹ khẩn cấp ngoài khoản đầu tư để trang trải chi phí cho những trường hợp bất ngờ không?

Câu hỏi thứ ba và đóng vai trò rất quan trọng với quyết định đầu tư là mức độ chấp nhận rủi ro của bạn ra sao? Bạn có thể chấp nhận thua lỗ bao nhiêu phần trăm? Bạn sẵn sàng đầu tư vào các kênh có rủi ro cao hơn và có khả năng mang đến tiềm năng lợi nhuận lớn hơn không, hay mong muốn được bảo toàn vốn?

Nhóm câu hỏi tiếp theo gồm: Bạn đã nghiên cứu kỹ về các kênh đầu tư chưa? Bạn đã hiểu rõ các kênh trên thị trường gồm ưu điểm, nhược điểm, tính pháp lý không? Làm thế nào để lựa chọn hoặc phân bổ các kênh đầu tư một cách hợp lý, hiệu quả?

Sau đó hãy tìm đáp án cho câu hỏi: Bạn có đang đa dạng danh mục đầu tư của mình không? Việc phân bổ danh mục đa dạng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, từ đó có cơ hội đạt được lợi nhuận tốt hơn. Khi đã phân bổ danh mục đầu tư, bạn cũng nên tiếp tục đặt câu hỏi rằng mình có theo dõi và điều chỉnh danh mục đầu tư một cách hợp lý và khi cần thiết chưa?

Cuối cùng và không kém quan trọng là bạn có cần sự hỗ trợ từ chuyên gia tài chính để giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn đầu tư một cách chuyên môn hoá, chuyên nghiệp và tầm nhìn dài hạn cũng như khả năng mang đến lợi nhuận một cách nhất quán, bền vững hơn không?

chungkhoan-4-JPG-3662-1736841751.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=B2cED5Y1dhhWo6lUfC6KIQ

Nhân viên môi giới chứng khoán đang tư vấn cho khách hàng về đầu tư tài chính. Ảnh: An Khương

Phân bổ tài sản đầu tư - 'trận bóng' cuộc đời

Quản lý tài chính cá nhân và đầu tư cũng giống như quản lý một đội bóng. Các tài sản đầu tư như đã phân tích ở trên được xem như đại diện các cầu thủ với các vai trò và vị trí chơi khác nhau, mang đến chiến thắng cho "trận cầu" tài chính của chúng ta.

Trong bóng đá, tất cả cầu thủ trên sân đều đóng những vai trò khác nhau. Đầu tiên chúng ta có thủ môn bảo vệ khung thành để tránh bị thủng lưới. Trong quản lý tài chính cá nhân, tuyến phòng thủ vững chắc sẽ bao gồm tiền mặt hoặc vàng. Chìa khóa ở đây là phải an toàn.

Tiếp theo, chúng ta có các hậu vệ như tuyến phòng thủ thứ hai sau thủ môn. Vai trò của "hậu vệ" trong kế hoạch tài chính của bạn là gì? Chính là những tài sản có mức lợi nhuận thấp cùng rủi ro thấp và các kế hoạch bảo vệ tài chính cá nhân khi có rủi ro xảy ra như bảo hiểm nhân thọ, tiền gửi ngân hàng... với tỷ suất sinh lời trung bình 3-7% mỗi năm.

Đội bóng nào cũng sẽ cần có tiền đạo - người có trách nhiệm ghi bàn để giành chiến thắng. Vậy kênh nào sẽ là "tiền đạo"? Đó chính là những khoản đầu tư vào các tài sản có khả năng sinh lời cao đến rất cao, nhưng rủi ro cũng cao không kém như tự kinh doanh, tự đầu tư cổ phiếu và đầu tư tài sản bằng tiền vay (đòn bẩy). Những kênh đầu tư này có khả năng sinh lời 15-20% hoặc hơn thế nữa và giúp cho tài sản của bạn có cơ hội tăng trưởng nhanh nhưng đi kèm rủi ro cao.

Vậy những loại tài sản có mức sinh lời trung bình và rủi ro vừa phải đóng vai trò gì trong trận bóng tài chính? Đó chính là "tiền vệ" của đội bóng, tiêu biểu là quỹ mở - kênh đầu tư mang lại tỷ suất sinh lời trung bình hàng năm 8-12% với độ linh hoạt cao. Trong bóng đá, tiền vệ có thể trở thành người tấn công, giúp cho tiền đạo ghi bàn. Khi cần áp dụng chiến thuật phòng thủ, tiền vệ có thể trở thành người bảo vệ khung thành. Tương tự, quỹ mở có thể tấn công khi thị trường thuận lợi và bảo vệ danh mục khi gặp rung lắc.

Phân bổ tài sản theo tỷ lệ nào hợp lý?

Hãy tưởng tượng bạn là huấn luyện viên trưởng, đã bao giờ bạn thấy một đội mà tất cả cầu thủ đều dâng cao chỉ nhắm đến mục tiêu ghi bàn? Đây chính là lúc chúng ta nhớ đến câu "không bỏ hết trứng vào một giỏ". Vì vậy, chiến lược phân bổ tài sản trải đều và hợp lý, mỗi kênh được thể hiện tốt nhất vai trò của mình với chiến lược linh hoạt tuỳ theo thế trận, mới là bí quyết để chiến thắng "trận đấu".

Trước tiên, bạn cần hiểu rõ mục tiêu đầu tư, khẩu vị rủi ro của mình cũng như nên cẩn trọng tìm hiểu đặc điểm của từng kênh. Một số gợi ý cơ bản mà chúng ta có thể tham khảo như sau.

Với kênh "bảo vệ", bạn nên gửi tiết kiệm tối thiểu từ 3-6 tháng chi phí chi tiêu trung bình của gia đình. Việc trang bị các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ càng sớm càng tốt giúp bảo vệ tài sản của bạn trước những rủi ro không mong muốn. Bạn cũng có thể xem xét nắm giữ 5-10% tài sản là vàng.

Với kênh "tấn công" như tự đầu tư cổ phiếu hoặc bất động sản, đây là những kênh có biến động mạnh nên bạn cần xem xét mức độ chấp nhận rủi ro của mình một cách cẩn thận. Có thể xem xét và áp dụng một công thức đơn giản để xác định tỷ lệ tài sản có thể đầu tư vào các khoản rủi ro đó là lấy tuổi thọ giả định trừ đi tuổi hiện tại. Ví dụ, giả định tuổi thọ là 80 và nếu hiện tại 45 tuổi, bạn còn 35 năm nữa để đạt đến mốc này. Như vậy, bạn có thể cân nhắc đầu tư tối đa 35% tài sản vào các tài sản rủi ro và 65% còn lại nên được đầu tư vào các tài sản an toàn hơn.

Với kênh "linh hoạt", bạn có thể tích lũy 10-20% tài sản vào quỹ mở phù hợp theo khẩu vị rủi ro của mình.

Cuối cùng, bạn cần theo dõi và tái phân bổ tài sản phù hợp độ tuổi và từng giai đoạn cuộc sống khác nhau. Do đó việc trao đổi với các chuyên gia hoặc ủy thác cho các tập đoàn tài chính hàng đầu cũng nên cân nhắc.

Đội ngũ chuyên gia Manulife Investment Management (Việt Nam)Manulife Invetsments có kinh nghiệm 137 năm quản lý 1.100 tỷ USD tài sản cho hơn 30 triệu khách hàng toàn cầu. Tại Việt Nam, họ quản lý hơn 130.000 tỷ đồng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022