Ngân hàng Nhà nước vừa có hướng dẫn triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Chương trình có quy mô tối đa 120.000 tỷ đồng, triển khai đến 31/12/2030 hoặc kết thúc sớm hơn nếu giải ngân hết gói. Khách hàng vay là chủ đầu tư dự án và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố.

Mỗi người mua nhà chỉ được vay vốn một lần để mua một căn hộ trong số các dự án thuộc danh mục quy định. Mỗi dự án của chủ đầu tư cũng chỉ được vay vốn một lần.

Về lãi suất, từ nay đến hết ngày 30/6, chủ đầu tư được vay là 8,7% mỗi năm, kéo dài trong 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm.

Từ 1/7/2023, định kỳ mỗi 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình này. Nguyên tắc xác định lãi suất theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, là thấp hơn 1,5-2% so với lãi vay trung dài hạn bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước.

DJI-0804-1668746329-8265-1680516650.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yYiTeRH0aiVFpdH6l7_6AA

Dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường, TP Thủ Đức, trong giai đoạn thi công, tháng 11/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Trao đổi trong cuộc họp tổng kết quý I, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết chương trình cho vay nhà ở xã hội sẽ được thực hiện với nguồn vốn từ bốn ngân hàng quốc doanh, mỗi nhà băng tham gia với quy mô tối đa là 30.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại khác khi tham gia chương trình cần thực hiện theo hướng dẫn và có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Các nhà băng có trách nhiệm xem xét, quyết định cho vay đối với khách hàng theo quy định của pháp luật về cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định đó. Việc phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay thuộc chương trình này thực hiện theo quy định.

Hướng dẫn này được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng cũng vừa phê duyệt đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 xây được một triệu căn nhà ở xã hội (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn). Tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.

Đề án này được kỳ vọng sẽ giúp giá nhà phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình thu nhập trung bình, thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.

Dự báo đến năm 2030, cả nước cần 2,4 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 là 1,2 triệu căn. Có 2,7 triệu công nhân khu công nghiệp, trong đó 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Đến nay, cả nước mới hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với 155.800 căn.

Minh Sơn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022