Với cú sốc lạm phát lan rộng 18 tháng qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất từ -0,5% lên 3%, mức tăng nhanh nhất kể từ khi eurozone ra đời. Bên ngoài khối đồng tiền này, điều tương tự cũng xảy ra ở Anh, Thụy Điển và Trung Âu.

Trong bối cảnh đó, người mua nhà ở châu Âu có hai "số phận" khác nhau. Trong khi tại Pháp, Đức và Hà Lan, lãi vay chủ yếu là cố định thì ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy, phổ biến là lãi thả nổi. Điều này khiến "các hộ gia đình đang phải đối mặt với lãi suất cao, phải trả nợ và chi phí sinh hoạt nhiều hơn", Alessandro Pighi, nhà phân tích của Fitch, giải thích.

Gilles Moëc, Kinh tế trưởng công ty bảo hiểm Axa, cho rằng 2 nơi đáng báo động nhất là Thụy Điển và Anh. Trong khi, các vụ tịch thu nhà ở Hy Lạp, Tây Ban Nha đang gia tăng. Ông cho rằng những gì đang xảy ra ở các quốc gia có lãi suất thả nổi là tín hiệu báo trước cho nguy cơ ở phần còn lại của châu Âu. "Cuối cùng, việc thắt chặt toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong nền kinh tế", ông nói.

Tây Ban Nha, sáu tháng qua, tài xế xe buýt Miguel-Angel sống ở El Escorial, ngoại ô Madrid, sẵn sàng nhận thêm bất kỳ việc vặt nào để có tiền như lát gạch, cắt tỉa hàng rào, sửa chữa đường ống. "Tháng 10/2022, tiền nợ cần thanh toán hàng tháng của tôi tăng 200 euro, từ 590 euro hàng tháng lên 813 euro. Điều tệ nhất là tôi không biết khi nào nó sẽ ngừng tăng", người đàn ông 46 tuổi nói.

Miguel-Angel mua ngôi nhà gỗ ở Sierra de Madrid vào năm 2017, với lãi suất thả nổi, dựa trên lãi liên ngân hàng của eurozone (Euribor). Gần 70% khoản vay mua nhà ở nước này là thả nổi, với 3,7 triệu khoản vay trị giá hơn 500 tỷ euro. Với việc tăng lãi suất, khoản vay trung bình 140.000 euro trong 24 năm hiện phải thanh toán hàng tháng tăng gần 230 euro (44%) so với 2021.

Lãi suất khoản vay của Miguel-Angel được điều chỉnh 6 tháng một lần. Hiện Euribor đã đạt 3,5% và lãi suất cho khoản vay của anh ấy đã lên mức 4,5%. Tình trạng vỡ nợ vẫn chưa tăng ở Tây Ban Nha nhưng ngân hàng trung ương nước này dự báo tác động của tăng lãi suất với khả năng trả nợ sẽ tăng từ sau mùa xuân, khi các gia đình dễ bị tổn thương nhất cạn tiền tiết kiệm.

Tháng 11/2022, chính phủ Tây Ban Nha tung ra chính sách các hộ gia đình tốn hơn nửa thu nhập để trả nợ và kiếm được ít hơn 25.200 euro mỗi năm có thể ân hạn nợ gốc 5 năm và giảm lãi. Người dành 30% thu nhập để trả nợ và kiếm được ít hơn 29.400 euro mỗi năm thì được hoãn nợ 12 tháng và giãn nợ thêm 7 năm. Theo tính toán, hơn nửa triệu gia đình có khả năng phải cần đến. Hai tháng qua, 9.000 gia đình đăng ký hỗ trợ, với 1.000 hộ vào tháng 1 và 8.000 hộ vào tháng trước.

9e20afe-1678889976724-rea73119-3909-7575-1679141024.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tFuJHwNF8vz31Run67As5g

Một góc của Athens, Hy Lạp vào tháng 4/2018. Ảnh: Marios Lolos

Tại Hy Lạp, số vụ tịch thu nhà đã bùng nổ. Vào buổi sáng cuối tháng 11/2022, Ioanna Kolovou hoảng sợ khi cảnh sát đến rất đông trước căn hộ của cô ở Zografou, ngoại ô Athens. Kolovou có khoản nợ chưa thanh toán là 15.000 euro, và ngôi nhà của cô đã được bán đấu giá, mua lại bởi một công ty tư nhân.

Với một số hỗ trợ sau đó, cô không bị đuổi khỏi nhà nhưng vẫn chịu áp lực phải trả tiền. Hôm 10/3, nhà cô đã bị cắt nước. Theo khảo sát của Liên đoàn Chuyên gia, Thợ thủ công và Thương gia Hy Lạp, 21,5% hộ gia đình nói sẽ không thể trả nổi nợ mua nhà trong năm nay, hầu hết đều do lãi suất tăng.

"Tháng 10 năm ngoái, tôi trả 300 euro một tháng tiền nợ vay nhưng giờ là 520 euro," Ilias Smilios, giáo viên, thành viên của tổ chức chống tịch thu nhà ở Thessaloniki, Hy Lạp, nói. Lãi vay trung bình cho khoản nợ 250.000 euro tại Hy Lạp là 5,76% trong tháng 10, lên 6,14% trong tháng 12 và dự kiến tăng thêm vào cuối tháng 3. Khoảng 45.000 ngôi nhà có thể bị tịch thu để siết nợ năm nay.

Thụy Điển, ngân hàng trung ương đã tăng lãi điều hành từ 0,25% vào tháng 5/2022 lên 3% vào 14/2. Người Thụy Điển nằm trong số những người châu Âu nhạy cảm nhất với biến động lãi suất vì họ mắc nợ nhiều nhất, ở mức 180% thu nhập khả dụng. Cho đến 2016, các hộ gia đình không có nghĩa vụ trả nợ. Các ngân hàng chỉ yêu cầu trả lãi. Vì những khoản lãi đặc biệt thấp, nợ cá nhân tăng vọt.

Dưới áp lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Liên minh Châu Âu, Thụy Điển vào 2016 đã buộc các hộ gia đình đã vay hơn 70% giá trị tài sản của họ phải trả 2% gián trị khoản vay mỗi năm và sau đó là 1% khi giảm xuống dưới 70%. Khi số tiền cho vay giảm xuống còn một nửa giá trị của tài sản, mọi nghĩa vụ trả nợ sẽ biến mất.

Năm 2018, giới hạn mới được áp dụng đối với các hộ gia đình đã vay gấp 4,5 lần tổng thu nhập hàng năm. Họ phải trả hết 3% khoản vay mỗi năm, sau đó là 2%, cho đến khi khoản vay chỉ chiếm 50% giá trị tài sản của họ. Khi lãi tăng, các hộ gia đình bắt đầu "thấm đòn", với một nửa số hộ vay năm 2021 chọn lãi thả nổi, điều chỉnh 3 tháng một lần. Trong khi, Thụy Điển đã bước vào thời kỳ suy thoái, với tăng trưởng GDP giảm 0,5% trong quý IV, tệ nhất ở châu Âu.

Anna và Klaus là ví dụ. Khoản vay 3 triệu curon (260.000 euro) từ 2021 của họ có lãi suất 1,22% trong ba năm, nên cần trả 6.000 curon (525 euro) mỗi tháng. Nhưng khi hết hạn vào năm 2024, tiền thanh toán hàng tháng dự kiến tăng gấp đôi, vì lãi suất trong ba năm qua đã tăng lên hơn 4%.

Anh, trong số 8,5 triệu khoản vay mua nhà, một phần tư có lãi suất thả nổi, dao động theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương Anh, vốn đã tăng từ 0,1% lên 4% kể từ tháng 12/2021. Nhưng đại đa số người Anh vay lãi cố định thì thời gian cũng ngắn, thưởng 2-5 năm đầu. Khi hết hạn, họ phải gia hạn khoản vay.

Đó là điều sẽ xảy ra với hơn 3 triệu hộ gia đình trong 2 năm tới, theo Cơ quan Quản lý Tài chính (FCA). Tất cả đều đã vay khi lãi suất ở mức thấp nhất, dưới 2%. Ngày nay, lãi suất cố định hai năm trung bình là 5,2%. Tình hình không đủ để gây ra một vụ sụp đổ bất động sản, nhưng đủ để hạ nhiệt mạnh thị trường.

Còn ở Austria, khoảng 50% các khoản vay mua nhà có lãi suất thả nổi. Lãi suất tăng cao đang tác động mạnh đến người đi vay tại đây. Helmut Ettl, Đồng giám đốc Cơ quan Thị trường Tài chính Austria (FMA), cảnh báo một số người sẽ gặp khó. Dù vậy, không hề có hoảng loạn ở quốc gia vùng núi Alps này.

Người phát ngôn của FMA Klaus Grubelnik xác nhận có những tín hiệu cho thấy rủi ro đã tăng lên trong các ngân hàng, nhưng mức nợ xấu vẫn rất thấp. "Chúng tôi đã quan sát thấy trong các cuộc khủng hoảng trước đây rằng người dân luôn làm mọi cách để trả nợ, ngay cả khi điều đó nghĩa là cắt giảm lối sống", vị này nói.

Phiên An (theo Le Monde)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022