Tiết kiệm đang trở thành trào lưu trên các trang mạng xã hội Trung Quốc - nơi giới trẻ đặt ra các mục tiêu tiết kiệm hàng tháng rất khắt khe. "Little Zhai Zhai" - một người dùng Internet 26 tuổi ngày nào cũng ghi lại chi tiết nỗ lực giữ sinh hoạt phí hàng tháng chỉ 300 nhân dân tệ (41,2 USD). Gần đây, cô cũng đăng một đoạn video nói về cách mình chi tiền ăn hàng ngày với 10 nhân dân tệ (1,38 USD).

Từ năm ngoái, giới trẻ Trung Quốc bắt đầu trào lưu mua các "hạt đậu vàng" nặng 1 gram, giá 400-600 nhân dân tệ. Nhiều người cho biết họ thường mua một hoặc hai hạt đậu mỗi tháng, tương đương với chi phí uống trà sữa.

Ngoài tiết kiệm đơn thuần, đây là khoản đầu tư dài hạn của giới trẻ. Theo truyền thống, người trung niên và người già mua vàng nhiều nhất, nhưng hiện tại Gen Z (sinh năm 1997-2012) mới là nhóm khách hàng bị thu hút vì những sản phẩm này.

Số người trẻ khác thì giảm chi bằng cách tìm "bạn cùng tiết kiệm" trên mạng xã hội. Họ sẽ lập thành một nhóm, đảm bảo các thành viên đều theo sát mục tiêu. Một trong các biện pháp tiết kiệm là đến một nhà ăn cộng đồng thường dành cho người già. Tại đây, các suất ăn được bán với giá khá rẻ.

china-beijing-4598-1719897147.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=srn12eDISh6z0l-XKZhKjw

Người dân mua đồ tại một siêu thị ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

"Giới trẻ Trung Quốc đang có tâm lý tiết kiệm bù. Họ bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn, không như người trẻ những năm 2010 - thường tiêu nhiều hơn kiếm, vay tiền để mua đồ cao cấp như túi Gucci hay iPhone", Shaun Rein - Giám đốc China Market Research Group cho biết.

Nhiều thuật ngữ mới cũng trở thành trào lưu trên mạng xã hội, như "tiêu dùng đảo ngược" hay "nền kinh tế tiết kiệm". Ý nghĩa của chúng là nỗ lực cắt giảm chi tiêu và tìm đồ hạ giá, khuyến mãi khi mua sắm.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho thấy tổng tiền tiết kiệm bằng nhân dân tệ của các hộ gia đình quý I tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc này trái ngược với xu hướng tiêu dùng của giới trẻ trên thế giới, khi làn sóng "mua sắm bù" xuất hiện ở mọi nơi sau đại dịch. Khảo sát của Bank of America hồi tháng 5 cho thấy Gen Z còn vay nợ để đi du lịch. Báo cáo Thịnh vượng của Intuit cũng chỉ ra thay vì tiết kiệm, 73% Gen Z tại Mỹ cho biết thích cuộc sống sôi động hơn là tích lũy, gửi tiền vào ngân hàng.

"Giới trẻ có lẽ cảm nhận được điều mà ai cũng thấy, là nền kinh tế đang không được tốt lắm", Christopher Beddor - Phó giám đốc phụ trách Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics cho biết.

GDP quý I của Trung Quốc tăng mạnh hơn dự báo, với 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, các dự báo vẫn nghiêng về kịch bản tăng trưởng chậm lại. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng 4,5% trong năm sau. Thị trường bất động sản - từng đóng góp hơn 20% GDP nước này - đã rơi vào khủng hoảng 3 năm qua.

Thị trường lao động tại đây cũng là thách thức với người trẻ, các chuyên gia cho biết trên CNBC. "Đúng là mọi người đang từ chối chi tiền. Với một số người trẻ, lý do đơn giản là họ không tìm được việc làm, hoặc cảm thấy thu nhập khó tăng. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiêu ít đi", Jia Miao - Giáo sư tại Đại học NYU Shanghai (Trung Quốc) cho biết.

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ độ tuổi 16-24 tại Trung Quốc là 14,2% trong tháng 5, cao hơn nhiều so với mức 5% trung bình cả nước. Dù chưa có thống kê chính thức về lương tháng của các sinh viên tốt nghiệp, khảo sát của hãng nghiên cứu MyCOS cho thấy năm 2023, mức lương bình quân của nhóm này là 6.000 nhân dân tệ (832 USD). Mức này cao hơn 1% so với năm trước đó.

"Sự tự tin đã biến mất trong nhóm người trẻ. Sẽ phải mất nhiều năm nữa, nếu không muốn nói là dài hơn, họ mới có thể thoải mái chi tiêu bù được", Rein cho biết.

Hà Thu (theo CNBC, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022