Ngày 27/11, nguồn tin của Reuters cho biết FTC đang xem xét các cáo buộc Microsoft lạm dụng quyền lực trong mảng phần mềm để áp đặt các điều khoản phạt, nhằm ngăn khách hàng chuyển dữ liệu từ dịch vụ điện toán đám mây Azure sang các đối thủ. FTC cũng đang điều tra hoạt động liên quan đến các sản phẩm an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo của Microsoft.

Các doanh nghiệp đối thủ cũng chỉ trích Microsoft vì khóa chân khách hàng sử dụng Azure. FTC nhận các phàn nàn này từ năm ngoái, khi điều tra thị trường điện toán đám mây trong nước.

NetChoise - tổ chức vận động hành lang đại diện cho nhiều doanh nghiệp Internet như Amazon và Google - chỉ trích chính sách cấp phép sử dụng của Microsoft và việc hãng này tích hợp AI vào dịch vụ Office, Outlook. "Vì Microsoft là hãng phần mềm lớn nhất thế giới, thống trị mảng hệ điều hành, quy mô và hậu quả từ việc này là rất lớn", NetChoise cho biết.

microsoft-reuters-1-9495-1732758126.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e6vg7yFelN2zdReDukP-3g

Logo Microsoft tại văn phòng ở Paris (Pháp). Ảnh: Reuters

Hồi tháng 9, Google cũng phàn nàn lên Ủy ban châu Âu (EC) về Microsoft. Họ cho biết hãng phần mềm buộc khách hàng trả thêm 400% số tiền nếu muốn tiếp tục chạy Windows Server trên dịch vụ điện toán đám mây của hãng khác. Các bản cập nhật về an ninh mạng cũng hạn chế và chậm trễ hơn bình thường.

FTC cho biết cũng đang điều tra cả Microsoft và OpenAI về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Họ bắt đầu xem xét thương vụ Microsoft cho 650 triệu USD mua startup Inflection AI.

Các thông tin trên cho thấy Microsoft đang bị điều tra quy mô lớn về chống độc quyền tại Mỹ. Reuters cho biết trước đó Microsoft dường như vẫn là ngoại lệ trong các chiến dịch điều tra của giới chức về hoạt động bị cáo buộc là phản cạnh tranh tại các Big Tech.

Meta Platforms, Apple và Amazone đều từng bị giới chức Mỹ cáo buộc độc quyền. Google (thuộc Alphabet) thì đang đối mặt với hai vụ kiện về công cụ tìm kiếm.

Cuộc điều tra được Chủ tịch FTC Lina Khan chấp thuận. Dù vậy, bà có thể phải rời chức vụ này tháng 1/2025. Tổng thống đắc cử Donald Trump được kỳ vọng chỉ định một người khác có quan điểm ôn hòa hơn với doanh nghiệp vào vị trí này.

Hiện chưa rõ liệu Trump có nới tay với các Big Tech hay không. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, nhiều Big Tech đã bị điều tra. Phó tổng thống đắc cử JD Vance cũng thường bày tỏ lo ngại về quyền lực của các doanh nghiệp này.

Dù vậy, Microsoft đến nay vẫn hưởng lợi từ các chính sách của Trump. Năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ ký hợp đồng điện toán đám mây 10 tỷ USD với Microsoft, thay vì với Amazon như dự báo trước đó. Amazon sau đó cáo buộc Trump gây sức ép lên quan chức Mỹ để làm điều này.

Hà Thu (theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022