Thông tin được Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu khi thừa ủy quyền Thủ tướng, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết giảm thuế VAT, chiều 28/11.

Chính sách giảm 2% thuế VAT với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10% đang áp dụng tới cuối năm nay. Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị kéo dài việc giảm này tới hết tháng 6/2025 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tương tự các lần trước, các lĩnh vực tiếp tục không được giảm thuế này, gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc giảm tiếp thuế này, theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ khiến ngân sách giảm thu khoảng 26.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm sau. Tức mỗi tháng ngân sách giảm khoảng 4.350 tỷ đồng, trong đó khâu nội địa là 2.850 tỷ và nhập khẩu 1.500 tỷ đồng.

Ho-Duc-Phoc-28-11-1-7060-1732785705.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0byO9NmlYQdzmsrqsos3sA

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc tại phiên họp chiều 28/11. Ảnh: Media Quốc hội

VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Khác với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, khi giảm thuế này, người dân và doanh nghiệp cùng hưởng lợi, kích thích sản xuất và tiêu dùng, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết một số ý kiến không đồng tình việc kéo dài chính sách này, bởi đã thực hiện từ 2022. Trong khi giảm thuế VAT chỉ nên được coi là giải pháp tình thế trong thời gian nhất định để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Khi dịch Covid-19 kết thúc, các ưu đãi về thuế cần được xem xét thu hẹp.

Tuy vậy, ông Mạnh nói "đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới giữa năm 2025", nhưng đề nghị Chính phủ đảm bảo thời gian chấm dứt và không tiếp tục đề nghị kéo dài thêm chính sách này.

Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị đưa nội dung này vào nghị quyết của kỳ họp, thay vì tách riêng như kiến nghị của Chính phủ.

Góp ý sau đó, ông Phạm Văn Hòa (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) nhìn nhận chính sách không nên giảm "lắt nhắt 6 tháng một lần".

"Năm ngoái Chính phủ trình giảm thuế VAT trong 6 tháng, đã có ý kiến đại biểu sao không xin giảm một năm. Khi đó, Chính phủ nói đảm bảo sau 6 tháng sẽ không trình Quốc hội xem xét kéo dài thêm", ông Hòa nhắc lại, đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát để không phải trình nhiều lần nữa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng việc kéo dài giảm thuế này đem lại hiệu quả lớn. "Ngân sách giảm thu hơn 26.000 tỷ đồng, nhưng chúng ta không thất thu vì doanh nghiệp mạnh lên", ông nói.

Tuy vậy, điều đại biểu này băn khoăn là cơ quan quản lý chưa có công cụ phân loại giữa doanh nghiệp nợ và không nợ thuế. Nên khi hoàn thuế VAT, doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành chính sách chịu thiệt thòi.

Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua việc kéo dài giảm 2% thuế VAT vào cuối chương trình kỳ họp.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022