Ra mắt từ 30/11/2022, ChatGPT gây sốt khi có thể thực hiện đa dạng nhiệm vụ như tra cứu, viết văn, lập trình bằng câu lệnh ngắn. Chỉ mất hai tháng để ứng dụng này đạt 100 triệu người dùng, trong khi TikTok cần 9 tháng, theo Similar Web.

Gần đây, nền tảng bắt đầu nhận được sự quan tâm nghiêm túc về mặt ứng dụng. Tỷ phú Elon Musk đánh giá nó "tốt một cách đáng sợ" và lên kế hoạch tuyển một nhóm chuyên gia AI để tạo ra sản phẩm cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI.

Tại Việt Nam, Sở Thông tin Truyền thông TP HCM hôm 1/3 công bố bốn nhóm lĩnh vực ứng dụng ChatGPT mà thành phố đặt hàng với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Cơn sốt ChatGPT lần nữa khơi mào bàn luận về nguy cơ con người bị cướp việc bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng nhận định một số ngành có thể bị ảnh hưởng.

Ông Phúc Phạm, Giám đốc Điều hành Robert Walters Vietnam - một công ty săn đầu người và tuyển dụng - nói nhân viên dịch vụ khách hàng, thậm chí cả nhân viên bán hàng qua điện thoại có thể bị thay thế, nếu hầu hết câu trả lời mang tính tiêu chuẩn và cơ bản. Một nhóm nhân sự khác có thể bị ảnh hưởng là chuyên viên phân tích dữ liệu hoặc kỹ sư phần mềm cấp thấp.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra với các chuyên viên nghiên cứu thị trường, phân tích tài chính, nhập liệu hoặc kế toán cơ bản. Các công việc truyền thông (quảng cáo, sáng tạo nội dung, tài liệu kỹ thuật, báo chí) cũng sẽ ảnh hưởng.

Dù vậy, các chuyên gia nhân sự vẫn dự đoán ChatGPT nói riêng và AI nói chung "không đe dọa" lực lượng lao động Việt Nam, ít nhất tương lai gần.

Ông Phúc Phạm dự báo, ngay cả khi một số công việc có thể bị thay thế bởi AI, sự xuất hiện của các công cụ AI như ChatGPT cũng sẽ tạo ra nhu cầu khác trên thị trường. "Đó là lý do những công cụ này rất có thể tác động nhưng không gây đe dọa'", ông nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó giám đốc Navigos Search miền Bắc, đánh giá trong ngắn hạn (có thể 3-5 năm tới), AI hay ChatGPT sẽ chưa thể thay thế người lao động nhiều. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chưa ảnh hưởng lớn.

Nguyên nhân là tại Việt Nam, AI chưa ứng dụng nhiều trừ vài ngành như dịch vụ tài chính, ôtô, viễn thông. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng phổ biến là chatbot trả lời tự động. Tuy nhiên, hiệu quả cũng giới hạn.

Trọng Tiến, trưởng một đội tổng đài viên 13 nhân sự của một công ty tổng đài thuê ngoài cho ngân hàng tại quận 4, TP HCM, đánh giá ChatGPT nói riêng hay các tổng đài tự động (callbot) khác vẫn chưa thể thay được các tổng đài viên con người.

"Callbot chủ yếu để nhắc nợ. Trong khi khách hàng thường rất bức xúc mới gọi, các callbot không nghe rõ thông tin người gọi sẽ tự ngắt. Chúng cũng không biết chờ đợi, nghe giải thích và nghe chửi như chúng tôi", Tiến giải thích.

man-7761167-960-720-1677753370-3847-1677753645.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=E1-_yki18_092IT5tc_ocA

ChatGPT có thể tạo ra cơ hội để phát triển năng lực, hiệu suất cho người lao động. Ảnh: Pixabay

Không sợ bị "cướp việc" nhưng người lao động cần có thái độ thế nào để tận dụng tốt cơn sốt ChatGPT và AI nói chung?

Theo các chuyên gia, đầu tiên là tận dụng các nền tảng này để xử lý công việc mang tính đơn giản, lặp đi lặp lại. ChatGPT là mô hình ngôn ngữ được đào tạo trên một kho văn bản trực tuyến khổng lồ. Từ đó, nó ghi nhớ những từ, câu và đoạn văn nào được sắp xếp theo thứ tự thường xuyên nhất và cách chúng liên kết với nhau.

Theo bà Thu Giang, ChatGPT sẽ là một công cụ hữu ích cho những người cần thực hiện các công việc đòi hỏi tính tổng hợp, đúc kết và sáng tạo dựa trên những thông tin có sẵn. "Một vài gợi ý cho thấy các công việc sử dụng ngôn ngữ dưới định dạng viết sẽ đặc biệt thấy ChatGPT hữu ích, ví dụ các đề xuất, nội dung quảng cáo, văn bản, thông cáo báo chí, báo cáo về một nội dung cụ thể", bà Giang nói.

Tuy nhiên, ChatGPT chưa thể được sử dụng để lập trình mà chỉ có thể giúp lập trình viên thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến ngôn ngữ tự nhiên. Trong khi đó, người dùng cần nhận thức về vấn đề "đạo văn", nhất là khi ứng dụng và tiếp thị trực tuyến.

Ông Phúc Phạm lưu ý, các thuật toán của Google sẽ xử phạt, hạn chế nội dung do AI tạo ra. Điều đó có nghĩa việc dựa hoàn toàn vào AI trong các vai trò này có thể không phải là một chiến lược tốt. Sự can thiệp và kiểm soát của con người vẫn cần thiết trong hầu hết vai trò mà AI có thể được sử dụng.

Thứ hai là con người cần nâng cao trí tuệ cảm xúc (EQ) để tạo ra lợi thế so với máy móc. Bà Thu Giang cho rằng, đứng trước sự phát triển của AI hay ChatGPT, người lao động cần trau dồi chuyên môn, các kỹ năng mềm của bản thân, trau dồi trí tuệ cảm xúc và thúc đẩy sự sáng tạo trong công việc.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), có 10 kỹ năng sẽ cần thiết cho cột mốc 2030 và 3 kỹ năng quan trọng nhất là Judgement & Decision Making (Đánh giá và Ra quyết định), Fluency of Ideas (Lưu loát về ý tưởng) và Active Learning (Chủ động học). Bên cạnh đó, sử dụng và kiểm soát công nghệ cũng là một kỹ năng cần được chú trọng để một người lao động có thể bắt nhịp với sự phát triển của công nghệ.

Thứ ba, các chuyên gia khuyên xem ChatGPT là động lực để cải thiện cá nhân và tổ chức. Chị Thu Ngọc, một chuyên gia truyền thông ở Hà Nội, cho rằng ChatGPT là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Trong ngành của chị, đây có thể là công cụ tối ưu cho một số giải pháp nhưng không thể thay thế 100%.

"Mọi người lo ChatGPT dần thay thế những người viết các nội dung truyền thông nhưng chắc chắn không. Chúng ta có thể ví ChatGPT như nước uống đóng chai bán sẵn còn người làm nội dung giống như nước ép trái cây nguyên chất, giá trị và chất lượng khác nhau", chị nói. Tuy nhiên, chị xác nhận sự phổ biến của AI giúp con người thêm động lực cập nhật kiến thức, trau dồi khả năng sáng tạo.

Lê Đình Lực, CEO hệ thống tiếng Anh DOL English, nói rằng AI giúp giáo viên thoát khỏi những việc nhỏ lẻ mà nhọc nhằn, không phải đi dạy những kiến thức cũ về tiếng Anh như "từ này có nghĩa gì", "ngữ pháp này sử dụng ra sao" mà giờ tập trung dạy thực hành, phát triển tư duy.

"Những siêu AI như ChatGPT chính là cơ hội. Chỉ những người không chịu nỗ lực thay đổi hoặc chỉ biết 'cần cù bù thông minh' và không áp dụng đúng cách, tư duy đúng kiểu thì mới phải sợ", Lực nói.

Hay như trong ngành tuyển dụng, ông Phúc Phạm chỉ ra AI có thể được sử dụng để phân tích hồ sơ xin việc (CV) và thư ứng tuyển (cover letter), giúp quá trình xử lý hồ sơ trở nên khách quan hơn, hạn chế sự thiên vị của con người.

Nhưng cũng có một rủi ro lớn khi tiêu chuẩn hóa với phương pháp này. Vì trí tuệ nhân tạo được lập trình để tuyển dụng những hồ sơ tốt nhất, cũng đồng nghĩa là AI sẽ liên tục lựa chọn những hồ sơ tương tự nhau, cản trở các công ty tuyển dụng nhân tài dựa trên tiềm năng, với lý lịch và kỹ năng đa dạng.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022