Quan điểm này được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu tại cuộc họp về cung cấp, nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm, chiều 3/3.
Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), năm nay than thương phẩm sản xuất gần 57,9 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước xấp xỉ 44,7 triệu tấn, còn nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn.
Tổng lượng than tiêu thụ gần 57 triệu tấn, trong đó 81% tiêu thụ tại các doanh nghiệp sản xuất điện; 4,4% dùng trong phân bón, hoá chất; còn lại là xi măng và các lĩnh vực tiêu dùng khác. Xuất khẩu khoảng 2,03 triệu tấn.
Đầu tháng 3, Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đã hoàn thành ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với các nhà máy điện, đạm. Số lượng đã ký bán của TKV cho 22 nhà máy nhiệt điện là hơn 38,5 triệu tấn, đạm gần 2 triệu tấn.
Còn Tổng công ty Đông Bắc cung ứng gần 7,7 triệu tấn than cho 10 nhà máy nhiệt điện trong năm nay.
"Doanh nghiệp cấp than chịu trách nhiệm toàn diện nếu không cung ứng đủ theo cam kết, dẫn tới thiếu than cho sản xuất điện, đạm. Ngược lại, các doanh nghiệp sử dụng than cũng phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng hợp đồng mua", ông Diên cho hay.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp xuất, nhập khẩu than cho điện, đạm, ngày 3/3. Ảnh: Bộ Công Thương
Ngoài khai thác trong nước, tăng nhập khẩu than là phương án được tính tới để đủ cung ứng cho sản xuất điện, đạm. Ông Diên cho biết các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác để nhập khẩu như Australia, Indonesia, Lào, Nam Phi. Việc này đặt ra trong bối cảnh khai thác trong nước ngày càng khó khăn do các mỏ xuống sâu, đi xa hơn nên giá thành sản xuất tăng cao.
Chẳng hạn với Lào, do giá than nhập khẩu từ nước này thấp hơn khoảng 20% so với trong nước, nên việc nhập có lợi cho cả hai bên. Hiện than nhập từ Lào về Việt Nam chủ yếu qua cửa khẩu La Lay (Quảng Trị).
Tại cuộc họp hôm qua, ông Diên yêu cầu các đơn vị khảo sát thị trường than của Lào nghiên cứu các tuyến đường vận chuyển về Việt Nam đảm bảo tối ưu. Các bên cần đưa ra phương án chuẩn bị hệ thống kho cảng chứa hàng tại Việt Nam ở vị trí phù hợp, nhất là tại địa phương có đường biên giới giáp Lào nhằm tiếp nhận tốt nhất.
Năm ngoái ở thời điểm căng thẳng nguồn cung than cho điện, Việt Nam từng tính nhập 5 triệu tấn từ Australia. Các hoạt động xúc tiến nhập khẩu than từ Nam Phi sau đó cũng được cơ quan này xúc tiến.
Hai tháng đầu năm, lượng than sản xuất thương phẩm khoảng 8,34 triệu tấn, than tiêu thụ gần 8,7 triệu tấn. Trong đó, than cấp cho điện đạt gần 16% kế hoạch, khoảng 7,3 triệu tấn; còn than cấp cho phân bón, hoá chất khoảng 0,43 triệu tấn, tương đương 17% kế hoạch.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý TKV, Tổng công ty Đông Bắc nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và cấp than đúng chủng loại kỹ thuật từng nhà máy. Bởi, nhà máy được thiết kế sử dụng than nhập khẩu nhưng hàng cung ứng lại là pha trộn (than trong nước và nhập khẩu phối trộn) sẽ ảnh hưởng tới khả năng vận hành ổn định, nhất là trong thời điểm cần huy động cao mùa khô.
"EVN, PVN, TKV và các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá nhiên liệu đầu vào với giá đầu ra, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia", ông Diên chốt.
Anh Minh