Ngày 26/7, Olympic 2024 khai mạc tại Paris (Pháp). Sự kiện kéo dài đến 11/8, với 32 môn thi và hơn 10.700 vận động viên.

Theo ước tính của giới chức Pháp, tổng chi phí dành cho sự kiện này hiện là gần 9 tỷ euro (9,5 tỷ USD). Dù vậy, số liệu chính thức sẽ phải mất một thời gian nữa mới được thống kê đầy đủ.

Ban tổ chức Olympic Paris được cấp ngân sách 4,4 tỷ euro, lấy từ tiền bán vé, tiền của nhà tài trợ và của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Tuy nhiên, chính phủ Pháp cũng đã chi hàng tỷ euro nữa để xây dựng làng Olympic và các cơ sở hạ tầng khác.

Giới chuyên gia cho biết vấn đề chi phí thường khó dự báo hoặc xác định. Olympic Tokyo năm 2021 tốn khoảng 12,9 tỷ USD. Olympic Athens 2004 có chi phí khoảng 9,1 tỷ USD, theo Bộ Tài chính nước này. Dù vậy, các tổ chức độc lập cho rằng con số này phải lên tới gần 15 tỷ USD. Trong khi đó, Olympic London 2012 tốn 15 tỷ USD.

Tại Olympic Paris, chi phí cuối cùng còn phụ thuộc vào khoản thưởng cho các tài xế tàu điện ngầm, cảnh sát, nhân viên y tế và an ninh nói chung trong thời gian diễn ra sự kiện. Dù vậy, Bruno Cavalier - kinh tế trưởng tại hãng dịch vụ tài chính Oddo BHF - cho rằng "sự tham gia trực tiếp của chính phủ là tương đối hạn chế". Vì vậy, sự kiện này sẽ không "tác động lớn" đến khối nợ công 3.200 tỷ USD của Pháp hiện tại.

2024-07-25T205822Z-1501365144-6629-2598-1721986370.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZYNzCX8wKgeOzOxvnxP2KA

Vòng tròn Olympic đặt bên trong Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) hôm 25/7. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn như Olympic luôn mang lại lợi ích kinh tế cho nước chủ nhà. Hồi tháng 2, hãng tư vấn Asteres ước tính Olympic sẽ mang lại cho Pháp 5,3 tỷ euro từ tiền thuế và các nguồn thu khác.

Trung tâm nghiên cứu Luật và Kinh tế Thể thao (CDES) thì cho rằng sự kiện này có thể mang lại 6,7-11,1 tỷ euro cho Paris và các thành phố lân cận. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh đây là lợi ích kinh tế trải đều trong khoảng 20 năm, tính từ khi việc chuẩn bị cho Olympic bắt đầu năm 2018.

Viện Thống kê Quốc gia Pháp (Insee) đầu tháng này dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Pháp quý này cao hơn 0,3% so với kịch bản không có Olympic, chủ yếu nhờ du lịch, bán vé và bản quyền phát sóng. Theo đó, GDP Pháp có thể tăng 0,5% quý III và tăng 1,1% cả năm.

Trong ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp cũng đã kiếm được tiền từ sự kiện này. Hãng đồ lót Le Slip Francais đã sản xuất hàng nghìn đồ lót, đồ bơi, đồ ngủ và các vật phẩm khác cho Olympic. "Sự kiện này tạo việc làm cho nhà máy của chúng tôi" và khoảng 80 nhà thầu phụ khác, Giám đốc Lea Marie cho biết.

Các công ty liên quan đến xây dựng cũng hưởng lợi. Theo CDES, doanh thu của các công ty xây dựng và cải tạo được dự báo tăng thêm 3 tỷ euro nhờ Olympic.

Ngành du lịch cũng được kỳ vọng có thêm 3,6 tỷ euro từ 15 triệu du khách dự kiến đến Paris dịp Olympic, trong đó có khoảng 2 triệu người từ nước ngoài. Oddo BHF dự báo các ngành truyền thông, giải trí, đồ uống, hàng tiêu dùng và giao thông vận tải cũng đều sẽ hưởng lợi từ sự kiện này.

Dù vậy, giới chuyên gia cũng cho rằng đo lường chính xác tác động của các sự kiện lớn như Olympic là rất khó. Một mặt, sự kiện này làm tăng số việc làm, thu hút khách du lịch nước ngoài và thúc đẩy nhiều hoạt động thương mại như bán vé, tiêu thụ đồ ăn - thức uống.

Mặt khác, Olympic vẫn có thể kìm hãm du lịch, khi giá vé máy bay và khách sạn tăng. Tiêu dùng cũng sẽ giảm sút nếu nhiều người chọn cách ở nhà xem truyền hình trực tiếp.

Nhiều chuỗi khách sạn tại Paris phàn nàn rằng vài tuần qua, số du khách nước ngoài đến đây giảm sút, do cả Olympic và thời tiết xấu. Hãng hàng không hàng đầu của Pháp Air France-KLM đầu tháng này cảnh báo Olympic có thể khiến doanh thu của họ sụt giảm 180 triệu euro (193 triệu USD) vì khách quốc tế "tránh đến Paris".

Trong một nghiên cứu tháng 6, ngân hàng Deutsche Bank (Đức) khẳng định "các nước chủ nhà Olympic hay FIFA World Cup hiếm khi có lãi từ các sự kiện này, do khoản tiền đầu tư khổng lồ vào việc xây các sân vận động và cơ sở hạ tầng mới". Họ cũng cho biết lợi ích ngắn hạn về đầu tư và việc làm là "hạn chế", trừ phi nước chủ nhà đang suy thoái kinh tế

Tổ chức nghiên cứu kinh tế độc lập French Economic Observatory gần đây cho rằng GDP Pháp sẽ "chỉ tăng nhẹ" trong quý III, với tốc độ 0,3%. Mức này thấp hơn dự báo của Insee.

Còn với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau, Olympic Paris có tác động về "tinh thần" hơn là kinh tế. Dù vậy, ông cho rằng Pháp có thể cải thiện hình ảnh quốc gia thông qua Olympic, từ đó thu hút các khoản đầu tư mới từ bên ngoài.

Hà Thu (theo AFP, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022