Cứ mỗi hai ngày, Wahyuni, chủ một xưởng đậu phụ tại Đông Java, Indonesia, đốt hết một xe tải rác nhựa nhập khẩu, có thể lên tới ba tấn để nấu, chiên đậu. Với cách này, họ chỉ tốn 13 USD cho chi phí nhiên liệu, bằng một phần mười phương thức dùng củi truyền thống. Một số chủ xưởng cho biết được "tặng" rác miễn phí.

Các xưởng này cho ra lò khoảng 60 tấn đậu phụ, phân phối quanh vùng, gồm Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia. Lượng đậu phụ này không bán ra ngoài lãnh thổ.

dau-phu-1746927805-1746928674-6184-1746928782.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uHppOPf9tMSqLJfruFszGg

Công nhân tại một nhà máy đậu phụ ở Tropodo, Indonesia, trong bài viết lên ngày 10/5. Ảnh: Guardian

Rác nhựa nhập khẩu từ Australia, New Zealand, Nhật Bản, Pháp, Mỹ và Anh là nhiên liệu quan trọng cho ngành sản xuất đậu phụ nơi này, được cung cấp bởi ba nhà máy giấy gần đó. "Dễ tìm thấy nhất là rác từ Mỹ và Australia", TS Daru Setyorini, Tổ chức Quan sát sinh thái và Bảo tồn đất ngập nước (Ecoton), nói. Ecoton ước tính khoảng 70 tấn rác nhựa được đốt tại các nhà máy đậu phụ của Tropodo mỗi tuần.

"Các loại phế liệu nhựa không thể tái chế được bán cho các ngành công nghiệp như sản xuất đậu phụ. Chỉ nguồn phế liệu từ nhà máy giấy mới có thể cung cấp cho họ một lượng nhiên liệu giá rẻ liên tục và đủ dùng", bà Setyorini nói thêm.

Tại ngôi làng đậu phụ Tropodo, công nhân đút rác nhựa vào lò, bất chấp mùi nồng nặc. Khi được hỏi về những rủi ro đối với sức khỏe, một người cho biết họ vẫn hút thuốc lá, và "không ai trong số chúng tôi bị bệnh".

Ba tháng trước, Ecoton mua đậu phụ từ một khu chợ Tropodo về xét nghiệm, phát hiện nồng độ cao của vi nhựa, dưới dạng sợi, từ 0,15 mm đến 1,76 mm. Tiến sĩ Setyorini cho biết việc đốt nhựa sẽ giải phóng các hạt vi nhựa vào không khí, nước và bề mặt, làm tăng nguy cơ ô nhiễm trong các sản phẩm thực phẩm như đậu phụ.

A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2025-05-4006-1822-1746928782.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e4Ya7u2D5nbYu2uK7LpiUw

Một đống phế liệu nhựa, gồm cả rác nhập khẩu, đang chờ được đốt tại một xưởng đậu phụ ở Tropodo, Indonesia, ngày 10/5. Ảnh: Guardian

Từ năm 2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa. Dòng rác nhựa trên thế giới từ nước giàu đã tràn vào các quốc gia Đông Nam Á. Cùng với Malaysia, Indonesia trở thành điểm nóng chuyển hướng rác thải nhựa, với mức 260.000 tấn nhập khẩu mỗi năm.

Doanh nghiệp tái chế tại Indonesia phụ thuộc nhiều vào loại rác nhập khẩu, dù nguồn rác nhựa trong nước lại dồi dào. Indonesia tiêu thụ 12 triệu tấn nhựa mỗi năm, chỉ 10% trong số này được tái chế.

Chính phủ Indonesia đã nỗ lực quản lý nhập khẩu rác. Năm 2021, cơ quan quản lý siết giới hạn ô nhiễm ở mức 2% với chất thải nhập khẩu, gồm kim loại và giấy. Mặc dù vậy, việc thực thi quy định này khá kém, Ecoton phát hiện mức độ ô nhiễm lên tới 30% ở một số mặt hàng.

Nhằm nắn dòng chảy tái chế nhựa vào rác trong nước, chính phủ nước này cũng ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác nhựa từ tháng 1 năm nay, tương tự Thái Lan. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại tính khả thi nếu hoạt động thu gom và tái chế trong nước không được cải thiện.

Ngoài ra, nguồn rác nhựa của Indonesia còn nằm ở rác giấy nhập khẩu với tỷ lệ ô nhiễm nhựa tới 30%, theo TS Setyorini. Theo dữ liệu của chính phủ, Indonesia nhập khoảng 3 triệu tấn giấy vụn và bìa cứng hàng năm từ EU, Mỹ, Anh... Nhiều lô hàng đến cảng lớn nhất của Indonesia ở Surabaya, cách Tropodo khoảng một giờ lái xe, sau đó được phân phối cho gần một chục nhà máy giấy để tái chế. Từ đây, nguồn phế phẩm sau khi phân loại sử dụng sẽ được bán cho đầu mối trung gian hoặc đem cho.

thediplomat-2025-03-03-164240-9586-8413-1746928783.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Pksllkq-BlQb0Juj9qc6qw

Trẻ em chơi đùa trên đống nhựa phế liệu ở Đông Java, Indonesia, trong khi chờ mẹ nhặt những mảnh bìa cứng nhỏ bán lại cho nhà máy giấy, ngày 4/3. Ảnh: Diplomat

Novrizal Tahar, Giám đốc Quản lý chất thải rắn của Bộ Môi trường, nói Bộ này đã yêu cầu chính quyền địa phương xử lý và xây dựng lộ trình giảm thiểu rác thải. Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích thiết lập "ngân hàng rác thải" ở các phố, làng. Khi được hỏi về chất gây ô nhiễm nhựa trong giấy nhập khẩu, Tahar cho rằng lệnh cấm cũng sẽ khuyến khích các đơn vị tái chế sử dụng tất cả loại nhựa có sẵn.

Về lo ngại sức khỏe từ phương pháp xử lý rác thải cục bộ, Giám đốc Quản lý chất thải rắn nói đang gửi thông điệp xuống chính quyền địa phương và sẽ thực hiện biện pháp cưỡng chế nếu cần. Hiệp hội tái chế nhựa Indonesia và Hiệp hội giấy và bột giấy Indonesia đã không phản hồi.

Theo một nghiên cứu năm 2024 có sự tham gia của tổ chức nghiên cứu và vận động Nexus3 Foundation (trụ sở tại Jakarta), việc tiêu thụ một nửa quả trứng thả rông từ các địa điểm gần các nhà máy đậu phụ ở Tropodo, Kawerang và Tangerang, Tây Java, sẽ vượt quá mức dioxin an toàn hàng ngày tới 48 lần.

Để ngăn chặn tình trạng này, Ecoton cho rằng các nước giàu phải chịu trách nhiệm thực sự về rác của họ, đồng thời ngừng coi Indonesia làm bãi rác nhựa. Bà Setyorini cho rằng giải pháp cần thiết là thay đổi cơ bản cách thế giới sản xuất và quản lý rác thải, chứ không phải chuyển phế liệu sang nơi khác.

Bảo Bảo (theo Guardian, Diplomat)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022