Sau đợt tăng sát Tết Nguyên đán, từ ngày 30/1, loạt doanh nghiệp sản xuất thép trong nước thông báo đợt điều chỉnh giá thứ 3 trong vòng một tháng.
Thông báo gửi tới khách hàng cách đây ba ngày, Tổng công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco), cho biết tăng giá thép xây dựng (thép trơn, thép thanh vằn) thêm 300.000 đồng một tấn.
Theo đó, mỗi tấn thép trơn CB240 đường kính 6 hoặc 8 mm có giá bán mới là 15,9 triệu đồng; thép vằn cuộn CB300 đường kính 10 mm là 15,95 triệu đồng một tấn. Còn thép vằn CB400 dao động 16 - 16,15 triệu đồng, tuỳ đường kính 10 hoặc 14 mm.
Giá sau điều chỉnh là giá bán tại kho của doanh nghiệp. Trường hợp khách hàng thanh toán chậm có bảo lãnh, giá mỗi tấn thép đắt thêm 1-1,2 triệu đồng, chưa gồm thuế VAT. Như vậy, so với cách đây nửa tháng, mỗi tấn thép của thương hiệu này tăng trên nửa triệu đồng mỗi tấn.
Không riêng Tisco, các thương hiệu thép khác như Hoà Phát, Việt Ý, Việt Nhật hay Tung Ho cũng đều niêm yết giá bán mới, với mức tăng 500.000-600.000 đồng mỗi tấn. Như giá thép thanh vằn CB300 đường kính 10mm (D10) và thép cuộn CB240 của Hoà Phát tại phía Bắc có giá mới sau tăng là 15,45-15,54 triệu đồng một tấn.
Nửa triệu đồng cũng là mức tăng của mỗi tấn thép Việt Ý với sản phẩm thép cuộn CB240 và thép vằn CB300 từ ngày 30/1, lần lượt là 15,4-15,5 triệu đồng một tấn.
Thép xây dựng của Tập đoàn Hoà Phát. Ảnh: Hoà Phát.
Tương tự, Thép Việt Đức cũng tăng nửa triệu đồng một tấn với thép cuộn CB240, lên 15,2 triệu đồng; thép thanh vằn CB300 D10 là 15,5 triệu đồng, tức tăng 600.000 đồng mỗi tấn.
Ở lần điều chỉnh này, thép Việt Nhật là thương hiệu có mức tăng mạnh nhất tới 710.000 đồng một tấn với hai loại thép thanh vằn CB300 D10 và CB240, lên gần 15,6 triệu đồng một tấn.
Với đợt điều chỉnh giá lần thứ 3 trong tháng 1, tổng mức tăng sau điều chỉnh trên dưới 1 triệu đồng một tấn tuỳ chủng loại, thương hiệu. Ngưỡng giá hiện tại đang cách đỉnh lập hồi tháng 5/2021 hơn 2 triệu đồng mỗi tấn.
Trong khi giá trong nước xu hướng đi lên, thì mặt hàng này trên thị trường thế giới quay đầu giảm. Giá kim loại này giao tháng 5/2023 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm về 4.155 nhân dân tệ một tấn, hạ 26 nhân dân tệ so với cách đó một ngày.
Năm ngoái, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất gần 29,34 triệu tấn thép thành phẩm, giảm khoảng 12% so với 2021. Sản lượng bán cũng giảm tương ứng 7,2%, chỉ đạt 27,3 triệu tấn.
Ngành thép năm nay được dự báo vẫn khó khăn ít nhất trong nửa đầu năm do nhu cầu xây dựng giảm, dư thừa cung trên toàn cầu từ cuối 2022. Sản xuất và tiêu thụ kim loại này chỉ khởi sắc trở lại ở nửa cuối năm khi các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát huy tác dụng, đầu tư công được đẩy mạnh với dự kiến tăng hơn 20% so với 2022.
Anh Minh