Ngày 19/9, giá cà phê nhân trung bình ở mức 68.100 đồng một kg, tăng 400 đồng so với hôm qua và vượt đỉnh tháng 6 khoảng 1.000-1.200 đồng một kg.

Tại các vùng trọng điểm của Tây Nguyên như Đăk Lăk, Đăk Nông, giá mua tăng cao hơn, lên 68.500 đồng một kg cà phê nhân.

Dựa trên số liệu từ Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) cho thấy giá cà phê nhân xô tháng 9 tăng 76% so với tháng 1 và tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cà phê trong nước lập đỉnh mới được cho là chịu tác động từ diễn biến thế giới. Dữ liệu từ sàn giao dịch cà phê quốc tế cho thấy, giá cà phê robusta kết thúc phiên đầu tuần trên hai sàn London và New York đều tăng. Giá cà phê Robusta trên sàn London tăng 10-39 USD một tấn, lên 2.551-2.566 USD.

Tương tự, cà phê Arabica trên sàn New York tăng 0,45-0,95 cent trên pound, lên 158-162 cent.

Ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk cho biết giá cà phê nhân trong nước đang cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, số lượng cà phê bán ra hạn chế do niên vụ cũ đã qua lâu, vụ mới chưa tới. Do đó, giá cà phê nhân ngày càng được đẩy lên cao, chỉ được điều chỉnh hợp lý khi hàng vào vụ (hai tháng nữa).

Là đầu mối thu mua cà phê ở Đăk Lăk, ông Hưng - chủ một xưởng sản xuất cà phê tại Buôn Hồ - cho hay cách vụ thu hoạch khoảng 3 tháng, người dân đã bán hết cà phê. Hiện tại, nếu mua để sản xuất hàng chỉ có thể nhập từ các đầu mối chuyên xuất khẩu. Tuy nhiên, với mức giá cao như hiện nay, ông chưa dám mua vào vì sẽ không có lời khi sản xuất thành phẩm.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê nhân tăng cao lúc này không ảnh hưởng đến giá thành cà phê thương phẩm. Nguyên nhân là các nhà sản xuất đã chuẩn bị số lượng từ đầu vụ. Nếu giá cà phê nhân tiếp tục duy trì ở mức cao khi vào chính vụ, năm nay người trồng cà phê sẽ có lãi trở lại.

Khảo sát tại các hộ trồng cà phê ở Kon Tum, Đăk Lăk cho thấy sản lượng niên vụ 2023 sẽ bị giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Bà Loan ở Kon Tum cho biết năm nay sản lượng tại vườn bà có thể giảm 20% do nắng nóng kéo dài khiến tỷ lệ ra hoa và đậu quả kém.

"Với 2 ha cà phê, nhà tôi có thể chỉ thu hoạch được khoảng 36 tấn cà phê tươi (8,5 tấn nhân), cùng kỳ năm ngoái là 45 tấn tươi (11 tấn nhân)", bà Loan nói.

91231fe1-d1d2-48c2-911d-13e7c4-2655-4945-1695099278.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TXcE_Xr_IQYBTbk5SXCOMQ

Thu hoạch cà phê tại Gia Lai. Ảnh: Ảnh: Trần Hóa

VICOFA cũng cho rằng sản lượng cà phê niên vụ 2022-2023 có thể giảm khoảng 10-15% so với niên vụ trước, xuống khoảng 1,47 triệu tấn.

Riêng Đăk Lăk, Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh này dự báo sản lượng cà phê năm nay dự kiến chỉ đạt 450.000 tấn, giảm so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng thu hẹp. Người dân chuyển sang các cây khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn. Ngoài ra, ảnh hưởng của thời tiết khiến sản lượng cà phê lao dốc.

Trên thị trường quốc tế, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu cà phê thế giới sẽ giảm 3 triệu bao (một bao 60 kg) trong niên vụ 2022-2023, xuống còn hơn 116 triệu bao. Trong khi đó, tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) giữ nguyên dự báo ở mức trên 167 triệu bao, chỉ giảm 2,1% so với vụ trước.

8 tháng đầu năm nay, cà phê của Việt Nam được xuất khẩu tới 38 thị trường trên thế giới. Đặc biệt, giá xuất khẩu mặt hàng này đã tăng lên mức kỷ lục mới là 3.054 USD một tấn (73 triệu đồng) cao hơn 700 USD một tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, EU chiếm tới gần 38% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu với 455.111 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD, giảm 10,7% về lượng và 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến, thị trường đứng thứ hai là Mỹ tăng 11,1% so với cùng kỳ lên 90.151 tấn, chiếm 6,6% thị phần.

Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022