Mỗi thùng dầu WTI hiện tăng giá 1,4% lên 92,8 USD. Giá dầu Brent cũng tăng gần 1% lên 95,2 USD một thùng.
Giá cả hai loại dầu này đều đã tăng 4 phiên liên tiếp, hiện ở đỉnh 10 tháng. Nguyên nhân là sản lượng dầu đá phiến Mỹ giảm sút, làm dấy lên lo ngại thiếu hụt trong bối cảnh hai nước sản xuất lớn là Arab Saudi và Nga siết cung.
Diễn biến giá dầu Brent trong một năm qua. Đồ thị: Reuters
Số liệu công bố hôm 18/9 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu đá phiến nước này đang trên đà giảm về 9,3 triệu thùng một ngày trong tháng 10. Đây sẽ là mức thấp nhất 5 tháng. Sản lượng này đã giảm 3 tháng liên tiếp.
Trong khi đó, Arab Saudi và Nga tiếp tục giảm bơm dầu ra thị trường. Hôm 5/9, hai nước cùng thông báo gia hạn các biện pháp siết cung dầu đến hết năm nay. Theo đó, Arab Saudi giảm sản xuất 1 triệu thùng một ngày. Còn Nga giảm 300.000 thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày.
Kelvin Wong - nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA - cho biết giá đang được hỗ trợ bởi nỗi lo nguồn cung và các yếu tố về kỹ thuật. "Theo biểu đồ, giá WTI đang trong xu hướng tăng ngắn hạn. Mức hỗ trợ hiện tại là khoảng 90 USD một thùng", Wong giải thích.
Dù vậy, các nhà phân tích tại Ngân hàng Quốc gia Australia lại cho rằng "dầu đang bị mua vào quá mạnh, khiến thị trường dễ điều chỉnh". Giá biến động sau các phát biểu của CEO hãng dầu khí Saudi Aramco Amin Nasser và Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Abdulaziz bin Salman hôm qua.
Theo đó, CEO Aramco hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới về 110 triệu thùng một ngày năm 2030. Số liệu này giảm so với ước tính 125 triệu thùng trước đây.
Abdulaziz bin Salman thì bảo vệ quyết định giảm sản xuất của OPEC+. Ông giải thích rằng các thị trường năng lượng toàn cầu cần được điều tiết một chút để giảm biến động. Ông cũng cảnh báo bất ổn do nhu cầu tại Trung Quốc, tăng trưởng ở châu Âu và các chính sách ghìm lạm phát của ngân hàng trung ương.
Hà Thu (theo Reuters)