Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) hôm 15/1 cho biết GDP nước này giảm 0,3%, đánh dầu lần đầu nền kinh tế co lại kể từ sau Covid-19. Năm 2020, GDP Đức giảm 3,8%, do tác động của đại dịch. Tuy nhiên, hai năm sau đó, quốc gia này đã tăng trưởng trở lại, với lần lượt 3,2% và 1,8%.
"Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế nói chung đi xuống, do môi trường vẫn chịu tác động từ nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc", Ruth Brand - người đứng đầu Destatis nhận xét.
Bà cho biết lạm phát đã hạ nhiệt, nhưng giá cả vẫn ở mức cao trong tất cả lĩnh vực, khiến tăng trưởng chịu sức ép. "Lãi suất tăng, nhu cầu nội địa và quốc tế yếu đã tác động đến nền kinh tế", bà giải thích. GDP quý IV cũng giảm 0,3% so với quý trước đó.
Gần như tất cả lĩnh vực của kinh tế Đức đều đi xuống, đặc biệt là ngành sản xuất. Ngành này chịu tác động khi nhu cầu của Trung Quốc giảm, chi phí năng lượng tăng và lãi suất cao.
Trong ngành này, xe hơi và các thiết bị vận tải khác vẫn tăng trưởng. Tuy nhiên, sản lượng kim loại và hóa chất lại giảm. Sản xuất công nghiệp của Đức giảm 2% năm qua. Xuất khẩu nhìn chung giảm 1,8%.
Người dân mua sắm trên một con phố ở Berlin (Đức) tháng 12/2023. Ảnh: Reuters
Chi tiêu của các hộ gia đình và chính phủ cũng giảm. Chi tiêu công của Đức lần đầu giảm sau gần 20 năm. "Việc này chủ yếu do rút lại các chính sách hỗ trợ từ trong đại dịch, như tiêm vaccine hay thanh toán viện phí", Destatis cho biết.
Việc giảm chi tiêu công sẽ tiếp tục gây sức ép lên tăng trưởng của Đức năm nay, Andrew Kenningham - kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Capital Economics cho biết. "Rủi ro suy thoái của Đức đã tồn tại từ cuối 2022 và sẽ tiếp tục trong năm nay. Chúng tôi dự báo Đức không tăng trưởng năm 2024", ông nói.
Điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Đức là tỷ lệ lao động có việc làm, tăng kỷ lục 0,7% năm ngoái so với 2022. Hiện tại, tổng số người có việc làm tại đây là 45,9 triệu. Theo Destatis, việc này đã bù đắp đáng kể tác động từ dân số già.
Dù vậy, các số liệu trên vẫn phủ bóng lên triển vọng của khu vực đồng euro, do Đức là nền kinh tế lớn nhất trong 20 nước eurozone. Một khảo sát do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hôm 15/1 cũng cho thấy hơn 75% nhà kinh tế học dự báo châu Âu năm nay "tăng trưởng yếu hoặc rất yếu".
GDP eurozone đã giảm nhẹ trong quý III/2023. Số liệu của quý IV sẽ được công bố ngày 30/1, quyết định liệu eurozone đã rơi vào suy thoái hay chưa.
Hà Thu (theo Reuters)