Kazakhstan là quốc gia không giáp biển với diện tích lớn thứ chín thế giới, tách khỏi Liên Xô và trở thành quốc gia độc lập cách đây 33 năm. Các biển báo trên đường phố vẫn chủ yếu bằng tiếng Nga.
25 năm trước, chính phủ mới của Kazakhstan quyết định khởi động lại ngành chăn nuôi gia súc trì trệ. Một trong những động thái đầu tiên là họ liên lạc với Bill Price - một chủ trang trại chăn nuôi gia súc ở Bắc Dakota, tiểu bang của Mỹ có khí hậu tương đồng với đất nước Trung Á. Họ cho rằng gia súc chịu đựng được mùa đông ở Bắc Dakota thì có thể sống sót trên thảo nguyên Kazakhstan.
"Chúng tôi thậm chí còn không biết đất nước của các ông ở đâu", Price nhớ lại. Nhưng ngay sau đó, anh trai và đối tác kinh doanh của Price, Daniel, đã bay đến Kazakhstan để thăm dò và nói: "Cũng giống như Bắc Dakota. Trời lạnh. Con người thân thiện".
Tháng 10/2010, anh em nhà Price chất đàn bò giống Angus và Hereford đầu tiên lên máy bay 747 tại sân bay quốc tế Hector ở Fargo, bay 22 giờ đến Astana - thủ đô Kazakhstan. Mười một chuyến bay nữa đã diễn ra trong vài tháng tiếp theo, mỗi chuyến chở khoảng 170 con bò.
Hầu hết đàn bò sống sót qua cái lạnh thấu xương ở đất nước Trung Á này. Vòng đời của những con bò kéo dài chừng 20 tháng, sau đó được chuyển đến lò mổ, chia thành từng khay nhựa bọc màng co. Đàn bò là tài sản của công ty KazBeef, nơi Price và Daniel có cổ phần, hướng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).
Một con bò bên đống cỏ khô tại trang tại của KazBeef, gần làng Mamay, Kazakhstan. Ảnh: Inside Climate
Gia súc trên thế giới, chủ yếu là bò, là một trong những nguồn phát thải khí metan lớn nhất toàn cầu. Nhiều nghiên cứu, gồm từ Liên Hợp quốc, lập luận rằng việc làm chậm quá trình tiêu thụ thực phẩm từ gia súc như thịt bò và sữa, là rất quan trọng để đạt mục tiêu giảm khí nhà kính. Khi dân số thế giới lên 10 tỷ người, nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng lên, kéo theo khí thải nhà kính tăng.
Ngành chăn nuôi sẵn sàng mở rộng để đáp ứng nhu cầu thịt bò ngày càng tăng của thế giới. Một số ít nhà sản xuất đang nỗ lực sản xuất nguyên liệu cho món bít tết và bánh mì kẹp thịt không phát thải bằng hoạt động "chăn thả tái tạo". Số khác hướng đến mục tiêu xa hơn bằng cách kiếm tín chỉ carbon bán cho đơn vị gây ô nhiễm để bù trừ. KazBeef là một trong số đó, nhưng theo hướng mới.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Giao dịch tín chỉ carbon ngành chăn nuôi gia súc đầu tiên tại Mỹ diễn ra năm 2023, khi Pacific Seafood mua tín chỉ từ trang trại chăn bò rộng 22.000 mẫu Anh (gần 9.000 ha) nhằm đạt Net Zero cho giải vô địch bóng rổ nam. Trang trại này nằm giữa biên giới Montana và Bắc Dakota, của doanh nhân ngành dầu khí Jim Arthaud, người đã bàn câu chuyện tạo tín chỉ carbon với Price vài năm trước. Giao dịch này đã mở ra con đường bán tín chỉ carbon từ Dakota tới Kazakhstan.
Trước đó, các khoản tín dụng carbon trong nông nghiệp chủ yếu dựa vào trồng trọt. Một nông dân trồng ngô hoặc đậu nành có thể cải thiện chất lượng đất, ví dụ hạn chế cày xới, giúp đất có khả năng giữ carbon tốt hơn. Lượng carbon được lưu trữ đó tạo ra một khoản tín chỉ có thể bán qua sàn giao dịch cho doanh nghiệp muốn giảm dấu chân carbon.
Cuối năm 2023, tại hội nghị khí hậu COP 28 tổ chức ở Dubai (UAE), KazBeef và EcoBalance, rTek công bố dự án trang trại thông minh với khí hậu đầu tiên trên thế giới, để cho thấy "ngành chăn nuôi có thể là một phần của giải pháp phát thải ròng bằng 0".
Họ cho biết chăn thả gia súc trên đồng cỏ Kazakhstan, chúng di chuyển một cách chiến lược để cỏ phục hồi và đất có khả năng lưu trữ carbon tốt hơn. Lượng carbon lưu trữ này sẽ được theo dõi bằng công nghệ chuỗi khối, cung cấp tín dụng carbon đã được xác minh, về nguyên tắc, giúp bù trừ lượng khí thải từ chăn nuôi của công ty.
Công nhân làm việc tại lò mổ của KazBeef. Ảnh: Inside Climate
Tín chỉ của KazBeef không phải offset (bù trừ) – dùng để bán bên thứ ba nhằm đạt mục tiêu khí hậu, mà là inset (carbon chèn), hướng tới giảm phát thải trong chuỗi cung ứng và hoạt động của chính tổ chức. Đây là xu hướng giảm carbon trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tại Mỹ, hướng tới nhóm đối tượng tiêu dùng để tâm tới dấu chân carbon khi lựa chọn thực phẩm. Ví dụ, những người giàu có yêu món bít tết ở các quốc gia dầu mỏ Trung Đông.
Đầu năm nay, Robert Rathbone - một đầu bếp người Anh có ảnh hưởng tại Dubai - đã nếm thử thịt bò trung hòa carbon được cung cấp bởi EcoBalance. Vào tháng 4, hơn 3.300 pound (gần 1.500 kg) thịt bò Net Zero từ Open A Angus Ranch bay đến Dubai và phục vụ tại các nhà hàng của Rathbone. KazBeef cũng cung cấp cho các nhà hàng này, có kế hoạch vận chuyển thịt bò từ Astana đến Dubai mỗi tuần.
Thịt bò sẽ được bán cho người tiêu dùng như một món ăn Net Zero, dù món này đã được vận chuyển hàng nghìn dặm bằng máy bay. Lượng khí thải carbon từ các chuyến bay sẽ không được tính.
Thị trường carbon chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong các giải pháp khí hậu, đến nay hầu hết đều là thị trường tự nguyện, nhưng triển vọng tài chính rất lớn. Giá trị của thị trường carbon tự nguyện đạt 2 tỷ USD vào 2021 và các chuyên gia dự đoán có thể đạt 40 tỷ USD vào năm 2030.
Với nông dân, thị trường này trở nên đặc biệt hấp dẫn khi họ sở hữu một trong những công cụ hiệu quả nhất để lưu trữ khí thải nhà kính, gồm đất - kho chứa carbon lớn nhất sau đại dương. Trong vài năm trở lại đây, "nông nghiệp carbon" đã trở thành một ý tưởng hấp dẫn, bởi tiềm năng lưu trữ một lượng lớn carbon và đây là phương thức kiếm tiền tiềm năng.
Một vài tổ chức đủ điều kiện xác nhận một số loại tín chỉ nhất định, gồm ACR, Climate Action Reserve, Gold Standard và Verra. Cho đến nay, các tín chỉ carbon chủ yếu đến từ các lĩnh vực khí đốt, bãi chôn lấp, thiết bị thải bỏ tạo ra ozon và chất làm lạnh. Chỉ Verra có hạng mục liên quan đến chăn thả. Hiện chưa có một phương pháp nông nghiệp nào được phê duyệt tín chỉ.
Bảo Bảo (theo Inside Climate)