Tại Hội nghị đối thoại với Tổng cục Thuế chiều 29/2, ông Choi Youngsam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, nhận định các doanh nghiệp nước này đã tạo dựng được nền tảng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực nhờ hỗ trợ từ cơ quan thuế, hải quan.

Tuy vậy, ông Choi thông tin, một số doanh nghiệp phản ánh gặp khó liên quan tới các ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập đã cam kết trước đây, nhưng hiện bị hủy bỏ. Hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng là vướng mắc của các công ty nước này thời gian qua.

Ngoài ra, họ cũng không rõ quy định đưa tiền hợp đồng nhà thầu vào danh mục thu nhập chịu thuế hay đánh thuế hai lần với thu nhập phụ thu từ hoạt động vận chuyển quốc tế.

Bị chậm hoàn thuế VAT từng được các công ty Hàn Quốc nêu tại đối thoại với lãnh đạo TP HCM vào tháng 8/2023. Chẳng hạn, một doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm "than" do chậm có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đủ giấy tờ xin hoàn thuế này.

Dai-su-HQ-jpeg-9590-1709212710.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e6zNInGKvROeX1WoSCs_UQ

Ông Choi Youngsam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, phát biểu tại hội nghị đối thoại, ngày 29/2. Ảnh: Tổng cục Thuế

Ngoài hoàn thuế, các công ty Hàn Quốc cũng băn khoăn khi không được khấu trừ tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu số giờ làm thêm của mỗi lao động vượt 200 giờ một năm. "Điều này khiến nhiều công ty gặp khó khăn. Bởi thực tế họ phải cho người lao động làm thêm để đảm bảo đơn hàng do thiếu người", đại diện Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KoCham) nêu.

Phản hồi tại đối thoại hôm nay, Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết bộ này tiếp nhận, xử lý hàng trăm văn bản của doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam. Nhiều giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho doanh nghiệp được cơ quan này đưa ra "chưa có tiền lệ".

Về chính sách hoàn thuế với dự án đầu tư mở rộng, theo ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng Thuế, cơ quan tham mưu đang xem xét và "dự kiến có thể hoàn thuế cho doanh nghiệp".

Riêng về giờ làm thêm, ông Sơn nhắc lại quy định mỗi lao động được làm thêm không quá 200 giờ một năm, với công việc đặc thù tối đa 300 giờ. "Doanh nghiệp cần tìm giải pháp khác để hài hòa giữa quy định và đảm bảo sức khỏe người lao động", ông đề nghị.

thu-truong-btc-1709206316-1709-1240-9816-1709206712.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XWN0ik-rv1tvt3RwRfqBRg

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc, ngày 29/2. Ảnh: Tổng cục Thuế.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, doanh nghiệp Hàn Quốc nộp ngân sách tăng hàng năm, đạt gần 175.000 tỷ đồng trong 5 năm qua. Con số này chiếm 11% tổng thu ngân sách của các doanh nghiệp FDI và 3% ngân sách cả nước.

Tinh đến tháng 1, Hàn Quốc dẫn đầu trong 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với gần 9.900 dự án. Samsung dẫn đầu trong số tập đoàn Hàn Quốc rót vốn vào Việt Nam, trên 22 tỷ USD. Năm nay, tập đoàn này kỳ vọng tăng trưởng 10%.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Youngsam cho rằng động lực để tăng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được phản chiếu từ đầu tư mở rộng của các công ty đã rót vốn, hơn là thu hút mới. Tức là, các doanh nghiệp mới sẽ quan sát quyết định của đơn vị hiện hữu để đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam.

"Họ phản ứng rất nhạy cảm với sự không chắc chắn", ông Choi nói, và cho rằng nền hành chính thuế không minh bạch và khó đoán sẽ khiến đầu tư bị đóng băng.

Vì thế, ông khuyến nghị Việt Nam duy trì nền sinh thái kinh tế ổn định để các doanh nghiệp hoạt động năng động. Đây cũng là chìa khóa giúp mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách ổn định.

Ở khía cạnh này, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cam kết tiếp tục hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Những nội dung vượt thẩm quyền, ông giao các đơn vị ghi nhận, báo cáo Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022