Trong văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, ông Vũ Đức Côn - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đăk Lăk, Hiệp hội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát toàn bộ quy trình cấp và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Với các vùng trồng có dấu hiệu vi phạm hoặc đã bị cảnh báo, Hiệp hội đề xuất áp dụng cơ chế khoanh vùng "báo động đỏ". Sau khi xác định được nguyên nhân và mức độ vi phạm, cơ quan quản lý cần xây dựng quy trình phục hồi theo hướng canh tác an toàn, bền vững. Đồng thời, Bộ cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để chuẩn hóa việc cấp mã, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hợp tác xã đủ điều kiện tham gia chuỗi xuất khẩu.

Việc này đặt ra trong bối cảnh từ cuối năm 2024 đến nay, liên tiếp các lô hàng sầu riêng bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo do tồn dư cadimi - kim loại nặng có hại cho sức khỏe. Đặc biệt, một số mẫu còn chứa chất vàng O - loại phụ gia bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì nguy cơ gây ung thư. Trung Quốc đã yêu cầu 100% lô hàng phải có kết quả kiểm nghiệm cadimi và vàng O mới được thông quan. Nếu phát hiện vi phạm, các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói liên quan sẽ bị đình chỉ.

Screen-Shot-2025-05-20-at-10-2-9431-7868-1747746670.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=74ydzNKmpydkkK4TaNovKA

Sầu riêng tại nhà vườn ở miền Tây. Ảnh: Mạnh Khương

Hiệp hội Sầu riêng Đăk Lăk cho biết đang phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên lấy mẫu trên diện rộng nhằm đánh giá mức độ tồn dư cadimi và vàng O, đồng thời truy tìm nguồn gốc phát sinh. Về lâu dài, tỉnh Đăk Lăk sẽ xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng để kiểm soát chất lượng sầu riêng từ gốc, hướng đến xuất khẩu bền vững và giữ vững vị thế tại thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hiệp hội kiến nghị Bộ sớm ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, kết hợp các công nghệ kiểm nghiệm nhanh tại vườn, để đánh giá chỉ tiêu an toàn thực phẩm trước khi đưa hàng ra thị trường hoặc xuất khẩu. Với các lô hàng vi phạm nghiêm trọng về hóa chất, thay vì để quay đầu về tiêu thụ nội địa, cơ quan quản lý nên tiêu hủy, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và giữ gìn hình ảnh ngành hàng.

Cả nước có trên 150.000 ha diện tích trồng sầu riêng, nhưng chỉ 20% được cấp mã vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Riêng Đăk Lăk - vùng trồng sầu riêng trọng điểm tại Tây Nguyên - sản lượng năm nay ước đạt 500.000 tấn, sắp bước vào chính vụ thu hoạch. Phần lớn các mã số vùng trồng tại tỉnh này không đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật và quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng Việt Nam. Kể từ khi hai nước ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 3,2 tỷ USD vào 2024, đưa mặt hàng này trở thành một trong những nông sản có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022