Tại tờ trình về dự thảo Nghị định sàn giao dịch carbon trong nước, Bộ Tài chính đề xuất các công ty chứng khoán làm trung gian hỗ trợ giao dịch. Tương tự chứng khoán, các khách hàng, nhà đầu tư sẽ đăng nhập, kết nối qua các công ty này, thay vì trực tiếp tới hệ thống giao dịch.
Mô hình trung gian hỗ trợ này giúp nâng cao tính an ninh, bảo mật. Khi một trung gian gặp sự cố mạng, các trung gian khác và hệ thống giao dịch không bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó, công ty chứng khoán đều sẵn có hạ tầng công nghệ kết nối đến sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thuận lợi để hỗ trợ giao dịch.

Nhà đầu tư giao dịch tại công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần
Theo dự thảo, hàng hóa trên thị trường giao dịch carbon gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Hai loại hàng hóa này phải được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác nhận, ghi nhận trên hệ thống đăng ký quốc gia trước khi được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào hệ thống giao dịch.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Chủ thể giao dịch hạn ngạch là các cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong Danh mục phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê do Thủ tướng ban hành.
Với tín chỉ carbon, đối tượng giao dịch được mở rộng hơn, thêm các tổ chức thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ trong nước và quốc tế. Tổ chức và cá nhân cũng có thể tham gia giao dịch nếu được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác nhận tư cách tham gia.
Để giao dịch, các cá nhân, tổ chức phải mở tài khoản tại công ty chứng khoán hỗ trợ giao dịch trên thị trường carbon. Giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận, được công ty chứng khoán thông báo kết quả cho các bên sau khi khớp lệnh. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cung cấp kết quả giao dịch cho Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam để thanh toán giao dịch qua ngân hàng.
Trường hợp công ty chứng khoán cũng là bên đầu tư tín chỉ, dự thảo quy định họ phải ưu tiên khớp lệnh cho khách hàng với mức giá ngang bằng hoặc cao hơn mức khách hàng yêu cầu.
Dự thảo cũng đề xuất Bộ Tài chính quyết định số lượng ngân hàng thương mại làm ngân hàng thanh toán cho thị trường carbon theo từng thời kỳ, tùy quy mô và nhu cầu thị trường, tránh lãng phí.
Thực tế, sau trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng kinh nghiệm từ quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng các hàng hóa trên thị trường carbon khá đa dạng về chủng loại và nhìn chung không được chuẩn hóa (với tín chỉ carbon). Bộ này cũng dự báo số lượng các chủ thể tham gia giao dịch trong giai đoạn thí điểm có thể không lớn và thanh khoản không cao.
Đầu năm nay, Chính phủ đã duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, yêu cầu vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước từ tháng 6 năm nay đến hết năm 2028, trước khi hoạt động chính thức từ năm 2029.
Bảo Bảo