Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận tại nghị trường dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đại biểu ở lần thảo luận tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cho biết dự thảo luật lần này đã bổ sung chính sách khai thác mỏ dầu khí tận thu (lô, mỏ đã khai thác nhưng hiện giảm sản lượng, nhà đầu tư kết thúc hợp đồng sớm hoặc hết hạn hợp đồng), nhằm mang lại thêm nguồn thu cho ngân sách.
Ông Nguyễn Tâm Hùng (đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu thực trạng hiện chưa có cơ chế ưu đãi nên việc khai thác, tận thu các mỏ dầu này gặp khó khăn. "Đây là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư vào khai thác dầu khí trong khi ưu đãi đầu tư không còn hấp dẫn", ông nói.
Với các quy định mới bổ sung, ông cho rằng "vẫn còn mở, chưa tận thu được mỏ dầu khí". Đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị luật hoá các chính sách khai thác này, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.
Bổ sung thêm, bà Phạm Thúy Chinh (đại biểu tỉnh Hà Giang) cho rằng, cần bổ sung quy định về giao lại toàn bộ dữ liệu công trình dầu khí trong trường hợp nhà thầu rút khỏi hợp đồng vì lý do đặc biệt.
Ông Nguyễn Tâm Hùng, đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Phong
Nêu quan điểm, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói, PVN thực hiện khai thác với mỏ dầu khí tận thu theo nguyên tắc doanh thu trừ chi phí, tức là khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí khi khai thác thêm các mỏ sẽ được nộp vào ngân sách.
Quy định như vậy, cùng việc kiểm soát chặt chi phí hoạt động, ông Diên cho rằng, sẽ tạo đột phá, khả thi khi khai thác thêm các mỏ dầu, thay vì kết thúc sớm dự án, lãng phí tài nguyên quốc gia.
Điểm mới nữa tại dự thảo luật sửa đổi lần này, là bổ sung cơ chế về điều tra cơ bản dầu khí (hoạt động đặc thù nhằm khảo sát, điều tra ban đầu để đánh giá tiềm năng, trữ lượng, trước khi tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí).
Bà Hoàng Thị Thanh Thúy (đại biểu tỉnh Tây Ninh) băn khoăn khi dự luật quy định, "cá nhân tham gia điều tra cơ bản dầu khí phải liên doanh với tổ chức". Theo bà, như vậy sẽ làm mất quyền tự chủ, độc lập của cá nhân, bởi nếu họ đủ năng lực, điều kiện có thể độc lập tham gia mà không cần liên doanh với bất kỳ tổ chức nào.
"Nếu cá nhân đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí, họ có thể tự mình thực hiện", bà Thuý nhận xét.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà), cho rằng điều tra cơ bản có tính rủi ro cao, vốn lớn, nên ngoài nguồn lực từ ngân sách cần huy động thêm từ tổ chức, cá nhân khác.
Ông nhắc lại bài học thất bại của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi đầu tư tại mỏ Junin (dự án đầu tư ra nước ngoài bị thua lỗ của PVN tại Venezuela), cũng như một số dự án đầu tư khác, và lưu ý cần có quy định hạn chế rủi ro.
"Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, cần khuyến khích các nhà đầu tư quốc tế tham gia và tự chịu rủi ro. Nếu PVN đầu tư ra nước ngoài cũng chỉ đầu tư sau khi thẩm định kết quả điều tra cơ bản từ công ty quốc tế có uy tín, tuyệt đối không để lặp lại bài học mỏ Junin (Venezuela) một lần nữa", đại biểu Thịnh nói.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh (đại biểu TP HCM) cũng đề nghị bổ sung các điều kiện cụ thể về quyền, nghĩa vụ cá nhân là người nước ngoài khi muốn tham gia điều tra dầu khí. Việc này đảm bảo phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cho biết trước đây PVN được sử dụng Quỹ tìm kiếm, thăm dò dầu khí cho công tác điều tra này. Song hiện quỹ này không còn, nên chi phí cho điều tra cơ bản dầu khí sẽ lấy từ nguồn lực của Nhà nước và vốn của các tổ chức, cá nhân khác.
Theo chương trình, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này.