Tham dự Diễn đàn "Nông nghiệp sinh thái: Giải pháp thiết thực giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững", do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, ông David Rennie, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Giám đốc các Thương hiệu Cà phê của Tập đoàn Nestlé toàn cầu chia sẻ về kế hoạch phát triển nông nghiệp và canh tác cà phê bền vững tại Việt Nam thời gian tới.

-9484-1666689809.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1qj1Qz4x6psSe4Y4JlZGlQ

Ông David Rennie tại một vườn cà phê canh tác theo mô hình nông nghiệp tái sinh ở Đắk Lắk. Ảnh: Văn Vị

- Tại sao Nestlé đầu tư lớn cho mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững tại Việt Nam?

- Việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách mà thế giới phải đối mặt ngày nay. Bản thân Nestlé cũng có những cam kết và thực thi các hành động cụ thể cho vấn đề này. Năm 2019, chúng tôi là một trong những đơn vị tiên phong tham gia cam kết của Liên Hợp Quốc về phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Chúng tôi cũng vinh dự khi được làm việc với các cơ quan của chính phủ Việt Nam và chúng ta có cùng cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hành trình đến năm 2050 rất dài và thách thức, chúng ta phải hành động ngay bây giờ nếu muốn tạo ra sự thay đổi. Hiện tại, chúng tôi tập trung vào các cam kết ngắn hạn và những hành động cụ thể để thúc đẩy các thay đổi theo định hướng của tập đoàn thông qua các hoạt động của Nescafé Plan đang được thực hiện tại Việt Nam.

Nescafé Plan là chương trình trọng yếu và vừa được mở rộng đến năm 2030 với trọng tâm là nông nghiệp tái sinh. Đến năm 2030, chúng ta sẽ giảm 50% lượng carbon ròng, đó là một cam kết thực sự lớn khi phải giảm 20% đến 25% trong ba năm. Chúng tôi đang làm việc với cộng đồng nông dân Việt Nam, để thúc đẩy sự thay đổi. Tôi sẽ không đi vào chi tiết của chương trình nhưng mọi người đều cần phải hành động ngay bây giờ, với các chương trình và các cam kết thực sự, giúp đỡ cho nông dân tạo ra sự thay đổi.

- Tập đoàn sẽ thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam như thế nào?

- Theo tính toán, gần hai phần ba tổng lượng phát thải trên toàn cầu đến từ việc sử dụng đất và nông nghiệp. Đó là lý do tại sao nông nghiệp tái sinh và trồng rừng là một phần quan trọng trong công việc của chúng tôi. Ngoài nông nghiệp, chúng tôi đang chuyển đổi các hoạt động để giảm lượng khí thải ở bất cứ đâu có thể. Chúng tôi cũng đang phát triển danh mục sản phẩm để giảm tác động đến môi trường và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm bền vững hơn.

Nông nghiệp tái sinh là một hệ thống canh tác tập trung vào các nguyên tắc nông học phổ quát nhằm bảo vệ và phục hồi các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu là đất, cũng như nước và đa dạng sinh học. Nó mang lại lợi ích cho nông dân, môi trường và xã hội. Nông nghiệp tái sinh là một khái niệm mới nổi, vẫn cần sự đồng thuận và nghiên cứu khoa học sâu hơn. Do đó, chúng tôi chú ý theo dõi cả mức độ thực hiện lẫn các tác động hữu hình quan sát được ở cấp đồng ruộng trong điều kiện canh tác thực tế. Nông nghiệp tái sinh cũng có tiềm năng đáng kinh ngạc giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính vì nó góp phần hấp thụ CO2 từ khí quyển và vào đất. Đó là lý do tại sao nông nghiệp tái sinh là một phần quan trọng trong lộ trình Net Zero của Nestlé.

-3169-1666689810.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sseOTnuDrS_ZlV9lc_fZ0g

Ông David Rennie (ngoài cùng bên phải) tại một vườn cà phê canh tác theo mô hình nông nghiệp tái sinh ở Đắk Lắk. Ảnh: Văn Vị

- Tập đoàn đang cụ thể hóa mô hình nông nghiệp tái sinh tại Việt Nam ra sao?

- Nông nghiệp tái sinh là cốt lõi của chương Nescafé Plan tại Việt Nam và Kế hoạch Nescafé Plan 2030. Chúng tôi làm việc với nông dân để áp dụng các phương pháp nông nghiệp tái sinh giúp giảm lượng khí thải carbon, cải thiện năng suất trang trại và thu nhập của nông dân. Điều này được thực hiện thông qua đào tạo, cải tạo trang trại trồng cà phê năng suất cao và hỗ trợ tài chính. Chúng tôi cam kết cung cấp các chương trình giúp nông dân cải thiện thu nhập, tạo điều kiện để có thu nhập đủ sống.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, chúng tôi sẽ đầu tư hơn 1 tỷ franc Thụy Sĩ trên toàn cầu (tương đương 1 tỷ USD theo thời giá hiện nay) từ nay đến năm 2030 cho các chương trình Nescafé Plan để đạt được các cam kết chính: 20% cà phê có nguồn gốc thông qua các phương pháp nông nghiệp tái sinh vào năm 2025 và 50% vào năm 2030; giảm 50% lượng CO2 vào năm 2030 và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Ưu tiên của chúng tôi là mở rộng các hoạt động nông nghiệp tái sinh trên bảy quốc gia, nơi cung cấp 90% nguồn cà phê cho chúng tôi, gồm Việt Nam, Brazil, Mexico, Colombia, Bờ Biển Ngà, Indonesia và Honduras.

Với đội ngũ chuyên gia nông nghiệp làm việc tại bốn tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng) chúng tôi đã đào tạo cho nông dân các phương pháp canh tác bền vững và giúp tiết kiệm lượng nước sử dụng, giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu. Thu nhập của nông dân được cải thiện nhờ áp dụng các mô hình xen canh hợp lý. Chúng tôi tin rằng với Kế hoạch Nescafé 2030, chúng tôi có thể hỗ trợ người nông dân trở thành "Doanh nhân nông nghiệp" và đây cũng là ngọn hải đăng cho sự bền vững, giúp phổ biến những thực hành nông nghiệp tốt ra ngoài lĩnh vực canh tác cà phê.

- Những thách thức doanh nghiệp gặp phải trong quá chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh khi làm việc với 100.000 nông dân trồng cà phê tại Việt Nam?

- Có rất nhiều thách thức. Đầu tiên là thời gian, vì chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh cần nhiều thời gian. Khi thay đổi thiên nhiên, ta cần nhiều thời gian để thấy được kết quả. Tôi cho rằng đó là điều khó khăn nhất, vì nếu bạn chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh, bạn sẽ thấy trong ngắn hạn, lợi nhuận của bạn hoặc năng suất trang trại của bạn có sự giảm đi tạm thời. Những lợi ích lâu dài không dễ thấy được ở lúc ban đầu.

Vì vậy, chương trình phải tạo động lực, trợ cấp về tài chính và để giúp nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh và có niềm tin vào nó. Nếu không, tình hình sẽ trở nên phức tạp. Khi nông dân không thấy kết quả ngay lập tức, họ có thể ra khỏi chương trình hoặc từ chối cam kết. Vì vậy, chúng ta cần đưa họ trở thành một phần của chương trình và sau đó truyền bá tin tức cho các nông dân và trang trại khác.

Qua những gì chúng tôi học được từ 12 năm qua tại Việt Nam, tôi biết chúng ta không thể làm một mình. Chúng tôi hợp tác với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) ở đây, với Chính phủ, với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những quan hệ đối tác công tư, các tổ chức phi chính phủ hay bất kỳ ai có thể giúp chúng tôi thực hiện. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể là đơn vị thu mua cà phê lớn nhất trên thế giới và lớn nhất ở Việt Nam nhưng chúng tôi không thể thực hiện quá trình chuyển đổi này một mình.

- Việc thực hiện chương trình Nescafé Plan tại Việt Nam khác gì với các quốc gia trên thế giới?

- Chúng tôi đã thực hiện chương trình Nescafé Plan trên toàn cầu cho tất cả các thị trường sản xuất cà phê của chúng tôi trong 12 năm qua. Và Việt Nam là một trong những ví dụ điển hình nhất về việc thực hiện kế hoạch mang lại kết quả như mong muốn. Nescafé Plan và câu chuyện định vị cà phê toàn cầu luôn được chúng tôi chia sẻ để học hỏi và bổ sung lẫn nhau. Chuyên gia của chúng tôi tại Việt Nam và các chuyên gia khác ở Brazil và Mexico... thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ để tìm kiếm các phương pháp hay nhất. Đó là cách chúng tôi không ngừng hoàn thiện.

Thành công nhất ở Việt Nam là trồng xen canh và đem lại nguồn thu nhập khác cho nông dân trồng cà phê - điều chúng tôi nên học tập và áp dụng ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng hình thức này thực sự nên mô hình hóa tùy theo từng vùng.

- Ông có thể chia sẻ một số kết quả ban đầu của mô hình nông nghiệp tái sinh được Nestlé triển khai tại Việt Nam thời gian qua?

- Chương trình Nescafé Plan tại Việt Nam đã giúp hơn 21.000 hộ nông dân được chứng nhận 4C (Quy tắc Chung của Cộng đồng Cà phê) mang lại lợi ích cho hơn 22.000 hộ nông dân mỗi năm ở các tỉnh Tây Nguyên thông qua phân phối cây cà phê giống. Cụ thể, chúng tôi đã phân phối 63 triệu cây cà phê năng suất cao, có khả năng chống chịu bệnh tật tốt, giúp tái canh 63.000 ha cà phê già cỗi. Chúng tôi đã thực hiện hơn 330.000 buổi tập huấn về canh tác cà phê bền vững. Các biện pháp này giúp giảm 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật so với cách canh tác trước đây, đồng thời giúp nông dân tăng thu nhập từ 30% đến hơn 100% nhờ áp dụng các mô hình xen canh hợp lý. 86% trang trại của Nescafé Plan đa dạng hóa trung bình 3 loài và năng suất cao hơn 15% so với năng suất trung bình của cả nước.

Chương trình đã nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất để bảo vệ sức khỏe và độ phì nhiêu của đất. Điều này dẫn đến tỷ lệ hấp thụ carbon vào đất cao hơn và phát thải thấp hơn cũng như cải thiện đa dạng sinh học.

Hoàng Anh

Diễn đàn "Nông nghiệp sinh thái: Giải pháp thiết thực giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với công ty TNHH Nestlé Việt Nam tổ chức tại Đăk Lăk, hôm 20/10, với mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự kiện thu hút hơn 100 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022