Có đến 4 thương hiệu Trung Quốc trên tổng 12 nhà tài trợ chính của giải đấu này, gồm Hisense, Alipay, Vivo và TikTok. Họ là hiện diện cho tham vọng vươn ra toàn cầu của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ chỉ có 3 thương hiệu là FedEx, Booking và Coca-Cola; Hà Lan có 2 gồm Heineken và hãng giao đồ ăn Takeaway; Đức có Volkswagen; Nga có Gazprom. SCMP đánh giá các doanh nghiệp Trung Quốc đã thắng lớn tại Euro năm nay.

hisense-8085-1623922292.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NO9i1eBkSQAFu3sJqcEXGg

Quảng cáo của nhà sản xuất đồ điện tử Hisense xuất hiện trong trận khai mạc Euro 2021. Ảnh: Hisense

"2021 và 2022 là những năm quan trọng đối với các sự kiện thể thao toàn cầu khi có Euro, Olympic, World Cup. Đây là thời điểm tuyệt vời để thương hiệu của chúng tôi mở rộng hình ảnh của mình", Hisense cho biết hôm đầu tuần.

Đây là lần thứ hai nhà sản xuất đồ điện tử này tài trợ cho Euro. Sau khi tài trợ cho Euro 2016 và World Cup 2018, mức độ nhận biết thương hiệu của Hisense đã tăng gấp đôi ở 5 nước châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy, theo hãng nghiên cứu Ipsos.

Còn TikTok trở thành nền tảng giải trí kỹ thuật số đầu tiên tài trợ cho Euro. Ứng dụng video ngắn này đang muốn khẳng định vị trí của mình như một nơi để người hâm mộ bóng đá chia sẻ đam mê. TikTok ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia và được các chuyên gia trong ngành đánh giá là một trong những thương hiệu Trung Quốc thành công nhất trong việc vươn ra toàn cầu.

Năm nay, Vivo cũng lần đầu tiên tài trợ cho Euro và đã đạt thoả thuận tiếp tục hiện diện tại Euro 2024. Hồi tháng 2, Vivo đã gia nhập thị trường Romania và Séc như một phần của kế hoạch đầy tham vọng ở châu Âu. Vivo đặt mục tiêu sẽ phủ sóng hơn 12 thị trường ở châu Âu vào cuối năm nay.

Từ năm 2018, Alipay - ứng dụng thanh toán của Alibaba đã ký thỏa thuận hợp tác 8 năm với UEFA, bao gồm Euro 2021 và 2024. Doanh nghiệp này cũng là đối tác thanh toán toàn cầu chính thức của Euro 2021. Thỏa thuận giữa Alipay và UEFA được cho là trị giá khoảng 230 triệu USD.

vivo-9811-1623922292.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2RuYvHnsX5Kpep4npWdnIQ

Biển quảng cáo của Vivo trong trận Wales - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/6. Ảnh: UEFA

"Thể thao, đặc biệt là bóng đá rất phổ biến đối với người tiêu dùng châu Âu. Tài trợ cho Euro sẽ có lợi cho việc xây dựng cầu nối giữa thương hiệu và khán giả", Zhang Qing, Giám đốc điều hành hãng tư vấn Key Solution Sports nhận xét.

Theo Zhang, những năm 1980, các công ty Nhật Bản đã tài trợ cho một số sự kiện thể thao quốc tế. Sau đó đến lượt các công ty Hàn Quốc cũng làm như vậy.

"Hiện tại, các công ty Trung Quốc đang cạnh tranh mạnh hơn trong các lĩnh vực như điện tử tiêu dùng, thiết bị gia dụng, di động... Những người đi sau đang chiếm thế thượng phong", chuyên gia này nói. Ông cho rằng điều này phản ánh sự đầu tư ngày càng tăng của doanh nghiệp Trung Quốc vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo The Conversation,Việc Euro năm nay được tổ chức trải khắp 11 thành phố ở châu Âu nhưng lại thu hút rất ít nhà tài trợ bản địa cho sự yếu thế và suy giảm sức mạnh ngày càng lớn hơn của các doanh nghiệp châu Âu trong cuộc chơi toàn cầu hoá. Giá trị vốn hoá của các doanh nghiệp châu Âu vẫn kém Mỹ và nhanh chóng bị các doanh nghiệp Trung Quốc bắt kịp.

Hiện tại, điểm nóng trong ngành công nghệ thế giới ở Thung lũng Silicon (Mỹ), Thâm Quyến (Trung Quốc), chứ không phải tại châu Âu. Các doanh nghiệp châu Âu có thể sẽ phải trả giá nếu nhanh chóng rút khỏi cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Tú Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022