Chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng ấn tượng nhất từ đầu năm 2021. Theo StockQ, VN-Index là chỉ số tăng tốt nhất trong 6 tháng với biên độ 34,51%, vượt xa chỉ số đại diện cho những sàn chứng khoán đang trong xu hướng đi lên như Abu Dhabi, Austria, Jordan, Luxembourg... Góp công đầu vào thành tích này là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Được xướng tên liên tục từ đầu năm, các mã chủ chốt trong nhóm ngân hàng đều có mức tăng ấn tượng. Đơn cử như các mã ngân hàng trong VN30, VPB tăng gần 130%, TCB tăng 86%, STB có thêm hơn 81%, biên độ tăng của HDB, TCB, TPB đều trên 50%, so với mức tăng 46% của VN30-Index và 30% của VN-Index.
Tuy nhiên, đà tăng mạnh cũng để lại nhiều lo ngại. Từ giữa tháng 6, dòng tiền có xu hướng rút khỏi nhóm ngân hàng. Đồ thị các mã chủ chốt đều có khuynh hướng chững lại và đi xuống gần đây khi áp lực chốt lời gia tăng.
Biên độ tăng các mã ngân hàng trong VN30 từ đầu năm 2021, so với VN-Index và VN30-Index. Ảnh: Trading View.
"Vậy cổ phiếu ngân hàng còn hấp dẫn?" là câu hỏi được FiinGroup dùng để làm tiêu đề cho phần phân tích về cổ phiếu ngân hàng trong báo cáo mới công bố.
Theo dự báo, khối ngân hàng có thể đạt lợi nhuận sau thuế tăng gần 24% trong năm 2021. Số liệu trên được FiinGroup tính toán từ 27 ngân hàng niêm yết và trong số này, khối ngân hàng tư nhân dự báo chứng kiến sự bứt tốc. Các yếu tố hỗ trợ gồm NIM duy trì ở mức cao, đẩy mạnh cho vay sau khi tăng vốn chủ, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng không lớn nhờ Thông tư 03 và thu nhập từ hoạt động dịch vụ.
Dù vậy, kết quả này, theo nhóm phân tích, đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu, khi chỉ số giá cổ phiếu ngân hàng tăng hơn 34% từ đầu năm. "Cổ phiếu nhóm này không còn nhiều hấp dẫn so với triển vọng lợi nhuận năm 2021", FiinGroup nhận xét.
Hơn nữa, việc các ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn gần đây, một mặt có tác động tích cực ở góc độ cải thiện năng lực vốn, quy định về quản trị rủi ro, nhưng điều này cũng tạo nên rủi ro pha loãng các chỉ số định giá.
Cụ thể, trong tổng số 102.600 tỷ đồng giá trị phát hành vốn mới của toàn bộ doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, các ngân hàng chiếm 21,4%. Nếu tính cả hình thức phát hành chia tách, tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân năm 2021 của các ngân hàng dự kiến tăng 17,6% so với năm 2020. Điều này là lý do EPS của các ngân hàng ước tăng chỉ 4,6%, dù lợi nhuận năm nay dự kiến tăng 23,8%.
"Chúng tôi khuyến nghị khách hàng nên đánh giá từng cổ phiếu riêng lẻ trong xem xét này", nhóm phân tích cho biết.
Tuy nhiên, vẫn có những thành viên thị trường kỳ vọng cao hơn cho nhóm ngân hàng, với dự báo tốc độ tăng trưởng về kinh doanh trung hòa lại mức tăng cao về thị giá cổ phiếu.
Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) trong báo cáo cập nhật về cổ phiếu ngân hàng cuối tháng 5 đặt mức giá mục tiêu cho nhóm này trong năm 2021 cao hơn 10-40% so với hiện tại.
Đơn cử như VCB, BSC kỳ vọng thị giá của ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống sẽ tăng 30% so với hiện tại. Các nhà băng tư nhân top đầu như VPB, TCB, ACB, MBB, TPB, HDB đều dự báo tăng 17-40%.
Nhóm phân tích cho biết tiếp tục giữ khuyến nghị "khả quan" với ngành ngân hàng trong năm 2021 với quan điểm tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và việc kiểm soát tốt chất lượng tài sản sau dịch bệnh.
Trong đó, nhóm phân tích nâng dự báo tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế (PBT) của toàn ngành ngân hàng lên mức 407.914 tỷ và 177.135 tỷ đồng, tăng lần lượt 17,2% và 34,3% so với năm 2020. Với dự báo này, BSC cho rằng định giá của ngành ngân hàng đã tăng, tuy nhiên vẫn ở mức hấp dẫn.
Sức hấp dẫn đến từ tốc độ tăng trưởng cao giúp ngành ngân hàng được nhà đầu tư chấp nhận mặt bằng giá cao hơn, các catalyst (chất xúc tác) trong năm 2021 giúp đánh giá lại giá trị và lãi vẫn tiếp tục ở mức thấp giúp mặt bằng định giá toàn thị trường (trong đó có ngành ngân hàng) cao hơn.
Minh Sơn