Trong buổi lễ ký kết hợp tác giữa hai đơn vị hôm nay, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) - lần đầu chia sẻ về mối quan hệ giữa nhóm cổ đông ngoại Kusto và doanh nghiệp này. Ông nhấn mạnh trong mối quan hệ với CTD, Kusto luôn là nhà đầu tư và cổ đông chiến lược, chưa từng có mục đích phá loại hay gây cản trở công ty.

"Thời điểm 2019-2020, Kusto cùng một số cổ đông khác chỉ lên tiếng phản đối những yếu kém trong quản trị doanh nghiệp của Coteccons", ông Bolat Duisenov - người được nhóm cổ đông Kusto đưa vào kế nhiệm ông Nguyễn Bá Dương từ năm 2020, chia sẻ.

mk101539-jpg-1713352944-171335-8904-8654-1713353304.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CYTLwW9TiuQ1hREQblq19w

Ông Bolat Duisenov (bên phải) chia sẻ cùng đại diện Kusto tại lễ ký kết hợp tác chiến lược ngày 17/4. Ảnh: CTD

Kusto Group - quỹ có trụ sở tại Singapore đầu tư vào Coteccons năm 2012. Khi đó, họ dành nhiều lời khen và cam kết luôn ủng hộ hội đồng quản trị ngay cả khi kết quả kinh doanh sụt giảm.

Mối quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng khi xuất hiện vấn đề sáp nhập các công ty thành viên, nhất là với Ricons. Kusto quan ngại xung đột lợi ích vì thời điểm đó, một số thành viên trong ban lãnh đạo Coteccons đang nắm giữ đồng thời các chức vụ quản lý quan trọng tại Ricons và doanh nghiệp này cũng phát triển chủ yếu từ nhân sự, uy tín của Coteccons.

Kusto từng yêu cầu ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT thời điểm đó, trong vòng một năm, sáp nhập ít nhất 51% vốn của Ricons và công ty con khác là Unicons. Nếu không thành công, ông Dương cùng các quản lý cấp cao sẽ bán toàn bộ cổ phần tại hai công ty này.

Việc sáp nhập suôn sẻ với Unicons còn Ricons thì không. Sau đó, cổ đông ngoại không muốn bàn tiếp để Coteccons tập trung phát triển hoạt động cốt lõi.

Nhưng sự việc được khơi lại vào đầu năm 2018 và kéo dài đến năm 2019. Kusto giữ quan điểm cứng rắn không muốn sáp nhập Ricons vì không mang lại lợi ích khi hai công ty cùng ngành nghề và phân khúc thị trường. Ngược lại, nhóm ông Dương ủng hộ với quan điểm hỗ trợ hệ sinh thái và giúp gia tăng thị phần cho CTD.

Việc Kusto phủ quyết, theo suy đoán của một số cổ đông nhỏ, có nguyên nhân sâu xa vì muốn thâu tóm Coteccons. Suy đoán này cũng được ban lãnh đạo Coteccons thời điểm đó khẳng định lại trong thông cáo tháng 6/2020. Từ bất đồng quan điểm trên, Kusto nhiều lần yêu cầu họp đại hội đồng cổ đông bất thường để bãi nhiệm ông Nguyễn Bá Dương khỏi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nguyễn Sỹ Công khỏi chức Tổng giám đốc. Một cổ đông ngoại khác là The8th (Singapore) cũng có yêu cầu tương tự.

Sau nhiều lùm xùm, đến tháng 10/2020, ông Nguyễn Bá Dương quyết định rời Coteccons sau 17 năm gây dựng. Kéo theo đó, hàng loạt lãnh đạo chủ chốt cũng từ chức. Thay thế vị trí của ông Dương là Bolat Duisenov, trước đó là nhà đồng sáng lập và CEO của Kusto Vietnam (thành viên của Kusto Group).

"Thời điểm 2019-2020, không phải chỉ Kusto lên tiếng phản đối những hành động không hợp lý và những mâu thuẫn lợi ích về mặt quản trị doanh nghiệp, mà có 6-7 cổ đông cùng lên tiếng. Cách nói Kusto chống lại Coteccons chỉ là một số thông tin giật gân gây hiểu lầm trên diện rộng", ông Bolat nói thêm về khoảng thời gian mâu thuẫn nội bộ.

Theo báo cáo thường niên năm tài chính 2023, Kusto vẫn đang là cổ đông lớn của Coteccons khi nắm giữ 17,6% vốn. Mới đây, họ cam kết đầu tư 200 triệu USD thông qua hợp tác đồng đầu tư với Coteccons trong giai đoạn 2024 - 2028. Những lĩnh vực hai bên tập trung gồm công nghệ cao, hệ sinh thái cho bất động sản công nghiệp, mở rộng và nâng cấp chuỗi cung ứng cho ngành xây dựng. Đồng thời, Kusto cũng muốn phối hợp CTD tìm kiếm phát triển nhà ở xã hội.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022