Thông tin trên được bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - nêu trong phiên họp thường niên hôm nay. Bà lấy ví dụ trong cao điểm bán hàng vía Thần Tài năm nay, doanh số của PNJ chỉ ở mức bằng năm ngoái. Nguyên nhân không phải do sức mua mà đến từ tình trạng thiếu nguyên liệu.

"Chúng tôi gặp khó khăn cực kỳ lớn về nguồn nguyên liệu, có những lúc PNJ không có vàng để chế tác và bán hàng", lãnh đạo này chia sẻ.

1D0421677a-6609-43b5-a07a-a020-7038-1728-1713253375.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ktHzLpzx6wIYYbPnCS9XhA

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ, phát biểu trong đại hội cổ đông sáng 16/4. Ảnh: Xuân Lộc

Sau đó, một cổ đông nêu thắc mắc về cách thức mua vàng nguyên liệu của công ty ra sao để dẫn đến tình trạng trên. Bà Dung phản hồi rằng toàn bộ nguồn nguyên liệu PNJ đều đến từ các nguồn chính ngạch, có nguồn gốc rõ ràng. Hiện doanh nghiệp này mua vàng từ nhiều kênh như các nhà bán lẻ khác, từ người dân đã mua của họ sau đó đem ra bán lại, các đại lý... Điểm chung của các hình thức trên, theo bà Dung, là "đều rất cực khổ".

"PNJ nói không với vàng không rõ nguồn gốc. Có những lúc thị trường có nguồn vàng nguyên liệu nhưng chúng tôi cũng không dám mua vì chưa an tâm về vấn đề này", bà nói.

Do chỉ mua nguyên liệu chính ngạch, lãnh đạo PNJ cho biết diễn biến giá vàng lên xuống thất thường thời gian qua gây áp lực cho họ trong việc mua dự trữ. Cái khó của công ty là tính toán thời điểm mua vào để có mức giá phù hợp.

Bà Dung nói thêm, có những ngày nhà máy phải buộc tạm dừng, gián đoạn sản xuất vì giá vàng nguyên liệu quá cao, công ty không thể mua vào.

Ngân hàng Nhà nước sắp tổ chức đấu thầu vàng miếng, nói với VnExpress, ông Lê Trí Thông - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc PNJ, cho rằng việc này sẽ giúp tăng thêm nguồn cung vàng trên thị trường. Tuy nhiên, công ty không chuộng lấy vàng miếng làm nguyên liệu vì giá đầu vào cao.

Từ cuối năm ngoái đến nay, kim loại quý này liên tục lập đỉnh mới về giá. Điều này kích thích người dân mua vàng nhiều hơn. Nhưng với PNJ chưa hẳn là yếu tố tích cực.

Trả lời cổ đông về kế hoạch kinh doanh năm nay, Tổng giám đốc Lê Trí Thông nói đã có sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Hiện người dân chuộng mua vàng 24K với mục tiêu phòng thủ và đầu tư. Nhu cầu này cao hơn hẳn và khác những năm trước khi khách hàng tìm đến PNJ chủ yếu qua trang sức và chú trọng tính thời trang.

Trong khi đó, biên lợi nhuận các sản phẩm vàng 24K rất thấp, không tới 1%. Do đó, công ty dự báo kịch bản doanh thu tăng nhưng tốc độ tích lũy lợi nhuận sẽ chậm hơn.

Hiện tượng này đã được phản ánh trong quý I. Ba tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt gần 12.600 tỷ đồng, tăng đến 27% so với mức nền rất cao của cùng kỳ 2023 và vượt mức kỷ lục năm 2022. Trong đó, doanh thu vàng 24K chiếm khoảng 5.163 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty có lãi 738 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ 2022.

Dựa trên giả định đó, PNJ đặt mục tiêu doanh thu khoảng 37.148 tỷ đồng trong năm nay, tăng 12%. Còn lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 6% lên 2.089 tỷ đồng. Tuy nhiên đây vẫn là các con số kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

PNJ cho biết đang tập trung thu hút thêm nhiều khách hàng mới trong bối cảnh giá trị trung bình mỗi đơn hàng tiếp tục suy giảm. Họ lên kế hoạch mở thêm cửa hàng mới, triển khai nhiều chiến dịch tiếp thị và chương trình bán hàng mới.

Theo ông Thông, việc tích lũy khách hàng mới sẽ là "hành trang" quan trọng cho doanh nghiệp tăng tốc về sau khi kinh tế phục hồi, sức mua tăng trưởng trở lại. Trước mắt trong năm nay, công ty này kỳ vọng tình hình sẽ tiến triển từ nửa cuối năm, bắt đầu từ việc người tiêu dùng tự tin chi tiêu thay vì có chủ trương co hẹp.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022