Trong bối cảnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ưu tiên, nhiều quỹ đầu tư công nghệ như VinaCapital Ventures (thuộc VinaCapital) cũng đặt trọng tâm vào thị trường này. VinaCapital dự kiến ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm VCVCF III với quy mô 75 triệu USD, tập trung vào các ngành công nghệ giúp gia tăng nhanh giá trị kinh tế cho Việt Nam như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo và blockchain, bên cạnh y tế, tài chính, media và tiêu dùng. Làm rõ hơn về chiến lược này, ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc quỹ VinaCapital Ventures có buổi trò chuyện cùng VnExpress về tiềm năng và thách thức khi đầu tư vào ngành công nghệ tại Việt Nam.

1b7144dc7690c9ce9081-1-1737883-2442-9126-1737884157.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-nRTPU7xFbL6Ddb3lGrW4Q

Ông Hoàng Đức Trung - Giám đốc quỹ VinaCapital Ventures nói về triển vọng nhóm ngành công nghệ Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hà

- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng công nghệ của Việt Nam với các nước trong khu vực?

- Việt Nam có tiềm năng dẫn đầu về công nghệ trong khu vực. Việt Nam đang ở vị thế tốt nhất từ trước đến giờ. Đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội từ những thay đổi về địa chính trị, hạ tầng đang được ưu tiên nâng cấp và cải thiện để thu hút nhân tài, hấp thụ nguồn vốn FDI hiệu quả hơn. Đồng thời nguồn lao động trẻ dồi dào, có nhiều động lực phát triển và năng lực cạnh tranh cao. Nền kinh tế có khả năng hấp thụ nhanh các công nghệ tiên tiến để gia tăng giá trị kinh tế thâm nhập thị trường toàn cầu.

Việt Nam đang có thứ hạng cao ở 5 mặt hàng công nghiệp công nghệ số. Đơn cử, nước ta đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh; thứ 5 về xuất khẩu linh kiện máy tính. Các ngành xuất khẩu thiết bị máy tính; thiết bị, linh kiện điện tử; gia công phần mềm cũng đều ở trong top 10. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam gần 19%, năm 2025 sẽ đạt và vượt mục tiêu 20%, đặt mục tiêu 30-35% GDP vào năm 2030.

Nhưng để bứt tốc trên đường đua, chúng ta cần giải quyết nhiều thách thức. Thứ nhất, nước ta có lực lượng lao động trẻ, tư duy tốt và ham học hỏi. Tuy nhiên, cần xây dựng đội ngũ dẫn dắt với khả năng tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế về nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và thương mại hóa công nghệ.

Ngoài việc tăng ngân sách cho nghiên cứu và phát triển tại các trường đại học và doanh nghiệp, sự cởi mở của các tổ chức trung - lớn đối với giải pháp công nghệ trong nước cũng đóng vai trò quan trọng. Các doanh nghiệp lớn sở hữu công nghệ nguồn độc lập sẽ là nền tảng để Việt Nam vươn lên dẫn đầu.

Hạ tầng cũng là yếu tố then chốt. Công nghệ chỉ phát huy hiệu quả nếu có thể triển khai trên quy mô lớn với độ tin cậy cao. Các vấn đề như mạng lưới, trung tâm dữ liệu, an ninh mạng, và quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế thử nghiệm (sandbox) cần được giải quyết hiệu quả để Việt Nam có thể tiến xa hơn trên bản đồ công nghệ thế giới.

93de1677243b9b65c22a-1-1737883-5140-5419-1737884157.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FpFMyGV-3N-liTdP-CGC5w

Ông Hoàng Đức Trung chia sẻ về đầu tư tại sự kiện ngày 27/11/2024. Ảnh: Nguyễn Hà

- Vừa qua, Google đã chuyển kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu sang Thái Lan. Theo ông, điều này thể hiện bài toán gì với Việt Nam trong cuộc chạy đua ở khu vực?

- Có một sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn. Để thể hiện ưu thế khi so sánh với các quốc gia khác, Việt Nam cần phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó nổi bật có nhân sự, hạ tầng và hành lang pháp lý.

Đầu tiên là nhân sự. Việt Nam chỉ có khoảng 300 chuyên gia về AI. Trong đó, khoảng 30% kỹ sư lập trình viên đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, phần còn lại vẫn cần phải qua đào tạo 3-6 tháng. Tuy nhiên tính cả 70% còn lại thì Việt Nam vẫn thiếu khoảng 15.0000 kỹ sư lập trình viên mỗi năm.

Việc thiếu cả lượng, chất sẽ không thể giải quyết trong thời gian ngắn nhưng các chính sách thu hút nhân tài từ nước ngoài hoặc thực tập sinh cho sinh viên có hỗ trợ từ chính phủ có thể phần nào giảm bớt khó khăn này. Chương trình thực tập sinh của Enterprise Singapore (một cơ quan chính phủ Singapore) tạo điều kiện cho các sinh viên thực tập được doanh nghiệp đào tạo. Các doanh nghiệp này sẽ được chính phủ hỗ trợ một phần chi phí cho thực tập sinh. Điều này giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực sinh viên khi ra trường, tận dụng được nguồn nhân lực chưa tốt nghiệp.

Thứ hai, cần đẩy nhanh đầu tư hạ tầng công nghệ và đảm bảo hành lang pháp lý về mặt quản lý nhưng vẫn đồng bộ với khung pháp lý trong khu vực quốc tế. Chính sách này sẽ giúp công ty công nghệ dễ dàng định hướng hoạt động ở Việt Nam hơn. Tôi cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng với sự hiện diện ngày càng lớn của công ty công nghệ như Nvidia, Google hay Meta.

- VinaCapital Ventures có những chiến lược gì nhằm đón đầu xu hướng công nghệ toàn cầu?

- Chúng tôi chuẩn bị ra mắt quỹ VCVCF III trong năm 2025 với quy mô USD 75 triệu.

Trước đó, VinaCapital luôn là một trong những quỹ tiên phong đầu tư vào công nghệ. Quỹ đầu tiên đã đầu tư vào các lĩnh vực Internet và truyền thông quảng cáo cách đây 18 năm. Quỹ thứ hai đầu tư vào chuyển đổi số cho các ngành truyền thống như tài chính, logistics và tiêu dùng.

VCVCF III là quỹ thứ ba với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế số đối với những ngành như y tế, tài chính, tiêu dùng và thêm vào đó các ngành mới nổi như AI, năng lượng và blockchain.

- Đơn vị kỳ vọng gì khi ra mắt VCVCF III?

- VCVCF III là quỹ mà chúng tôi kỳ vọng nhất từ trước nay, điều này đến từ cả nội tại và ngoại lực.

Về nội tại, đội ngũ của VCVCF III có các thành viên đã kinh qua nhiều trải nghiệm đầu tư thực tế cả trong và ngoài nước và đã xây dựng mạng lưới đối tác trong 18 năm qua. Bên cạnh những thành công với việc đầu tư vào công nghệ giải trí và truyền thông quảng cáo, đội ngũ cũng đã đầu tư vào một công ty từ giai đoạn khởi nghiệp, đồng hành đến khi công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đến nay, đây vẫn là một trường hợp hiếm hoi trong mảng đầu tư và cũng là quỹ đầu tư mạo hiểm duy nhất đã kết thúc vòng đời của một quỹ ở Việt Nam, mang lợi nhuận về cho nhà đầu tư. Quỹ thứ hai mặc dù chưa kết thúc nhưng cũng đã có những dấu ấn với việc Sygnum (một ngân hàng tài sản số, vừa trở thành kỳ lân tiếp theo của khu vực) cũng như GlobalCare được mua lại từ 1 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq.

Về ngoại lực, như đã nói ở trên, Việt Nam đang ở vị thế tốt nhất từ trước đến nay.

- Đã có những nhà đầu tư nào quan tâm VCVCF III?

- VCVCF III đã xác định được nhà đầu tư chủ chốt là một tập đoàn đa ngành ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quỹ cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư là các tập đoàn, các tổ chức tài chính và quỹ gia đình khác trong khu vực. Hiện tại chúng tôi đang tiến hành các thủ tục hành chính cần thiết để các nhà đầu tư tham gia vào quỹ sớm nhất.

- Tiêu chí chọn doanh nghiệp để đầu tư của VCVCF III ra sao?

- VCVCF III tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp đã có giải pháp và sản phẩm được thị trường chấp nhận, đội ngũ quản lý có chuyên môn, đã xác định được kế hoạch kinh doanh rõ ràng dẫn đến việc có lợi nhuận, có chiến lược thâm nhập thị trường chi tiết và đang ở giai đoạn tăng trưởng và mở rộng thị phần.

Chúng tôi đã có một danh sách những công ty tiềm năng phù hợp cho tiêu chí của VCVCF III để có thể sẵn sàng đầu tư khi quỹ chính thức ra mắt. Danh sách này bao gồm các công ty ở Việt Nam và cả các nước Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan, có sản phẩm và kết quả hoạt động thuyết phục, có thể giải quyết các bài toán và tạo ra giá trị cho Việt Nam và khu vực.

Thái Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022