Tại Hội thảo "Khôi phục niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ: Tầm nhìn và giải pháp" diễn ra ngày 16/5, ông Ngô Trung Dũng nhận định hiện nay, Việt Nam được đánh giá có hệ thống quy định quản lý thị trường bảo hiểm nhân thọ thuộc nhóm chặt chẽ nhất thế giới. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp thu ý kiến phản hồi từ dư luận và thực hiện nhiều điều chỉnh để tăng cường tính minh bạch.

Ông Dũng liệt kê các doanh nghiệp đã thực hiện: tóm tắt điều khoản hợp đồng ngắn gọn, dễ hiểu; cung cấp công cụ tra cứu thông tin hợp đồng là ứng dụng chú thích thuật ngữ bảo hiểm giúp khách hàng dễ dàng đọc hiểu hợp đồng; cải thiện tài liệu minh họa sản phẩm; giải thích chi tiết về dòng tiền và rủi ro đầu tư để tránh những hiểu lầm, kỳ vọng không hợp lý từ phía khách hàng; hỗ trợ khách hàng xây dựng kế hoạch bảo hiểm phù hợp.

1-jpg-1716278263-7851-1716278457.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=l-xgJh0GwoLoCqGuX4MChA

Ông Ngô Trung Dũng trình bày về các giải pháp doanh nghiệp đang áp dụng để đưa thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển minh bạch, bền vững. Ảnh: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Với vai trò quan trọng, hệ thống pháp lý hoàn thiện, cố gắng khôi phục niềm tin với khách hàng và tiềm năng to lớn, ông Dũng dự báo thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam bứt phá trở lại trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến tháng 3, các chỉ số quan trọng của ngành đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, tổng tài sản toàn ngành ước đạt 801.307 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng số tiền đầu tư ước đạt 703.031 tỷ đồng, tăng 8,7%; tổng dự phòng nghiệp vụ đạt 581.857 tỷ đồng, tăng 6,5%; vốn chủ sở hữu đạt 159.409 tỷ đồng, tăng 10,8%. Đặc biệt, tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm trong quý I đạt 15.483 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ 2023.

Sự tăng trưởng này cho thấy niềm tin của người dân vào sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đang dần trở lại.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định tại hội nghị, ngành bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế. Ở góc độ xã hội, ngành này tác động trực tiếp đến việc duy trì lực lượng lao động, đảm bảo sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân, đồng thời góp phần giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống.

"Bảo hiểm nhân thọ là ngành có vị thế đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Đây là một trong số ít ngành được ban hành luật riêng, cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế, đời sống người dân", ông Tuấn nhấn mạnh.

2-jpg-1716278293-1716278449-7016-1716278457.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aDMtj6QTynvmQlhDutY-cg

Các chuyên gia thảo luận về các giải pháp khôi phục niềm tin vào ngành bảo hiểm. Ảnh: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Ở các nước phát triển, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ tới 80 - 90% dân số. Trong khi đó, tại Việt Nam, ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho biết, đến cuối năm 2023, chỉ hơn 12 triệu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, xấp xỉ 10 triệu người tham gia. Vì vậy, so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, ngành bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

3-1716278425-5875-1716278457.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KjK0UCqb1z3bm7z0mdlw-A

Ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Còn trong báo cáo chuyên sâu "Tác động của bảo hiểm đến sự phát triển kinh tế" ở sáu thị trường Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) do Prudential phối hợp PwC thực hiện, cho thấy Việt Nam là một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất, tốc độ tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người cao, cùng sự gia tăng tầng lớp trung lưu. Do đó, nhu cầu về bảo vệ sức khỏe, đầu tư và tích lũy của người dân Việt Nam ngày càng tăng. Đây là một trong những cơ sở để ngành bảo hiểm nhân thọ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Đồng tình với kết quả này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Chubb Life Việt Nam chỉ rõ thêm: "Chỉ cần ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cân bằng lợi ích giữa 3 chủ thể: nhà sản xuất (doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ), nhà phân phối (đại lý, tư vấn viên) và khách hàng, thị trường chắc chắn hoạt động bền vững và lành mạnh".

Trong khi đó, bà Tina Nguyễn, Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam cho rằng, đổi mới quy trình hoạt động, sản phẩm, dịch vụ có thể đảm bảo tính minh bạch, sự chuyên nghiệp và củng cố niềm tin khách hàng. Theo bà Tina, năm trọng tâm của Manulife trong năm 2024 là: nghiêm túc tuân thủ luật kinh doanh bảo hiểm mới; tăng cường tính minh bạch của sản phẩm; tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ các kênh phân phối; phối hợp cùng các ban ngành, công ty bạn để xây dựng thị trường bảo hiểm phát triển bền vững.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất khi tham gia bảo hiểm là quy trình kiểm soát chất lượng tư vấn để đảm bảo khách hàng hiểu đủ, mua đúng. Do đó, Manulife áp dụng quy trình xác thực thông tin và giám sát phát hành hợp đồng (M-Pro) cho mọi khách hàng tham gia bảo hiểm.

Thanh Thư

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022