Đây là chia sẻ của ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), tại đại hội cổ đông thường niên sáng 27/3, trả lời về việc cổ đông ngoại Commonwealth Bank of Australia (CBA) vừa thoái vốn sau 15 năm hợp tác.
"Khoản đầu tư 175 triệu USD từ cách đây hơn chục năm và sự đồng hành của CBA đã hỗ trợ VIB nhiều trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, từ trước Covid-19, CBA thay đổi chiến lược kinh doanh trên toàn cầu khi họ đóng cửa hoạt động ở nhiều quốc gia. Do đó, cũng trong 5 năm gần đây, họ không đóng góp thêm vào chúng ta và ủy quyền lại các quyết định cho VIB", ông Vỹ chia sẻ.
Ông cũng đánh giá khoản đầu tư của CBA là hiệu quả khi với 175 triệu USD ban đầu, họ thu về gần 500 triệu USD (khoảng 12.000 tỷ đồng), sau 10 năm. Sau khi CBA thoái vốn, hiện VIB còn "room" ngoại 25%. Chủ tịch VIB cho biết nhà băng đang trao đổi để tìm một hoặc một số đối tác thích hợp, đảm bảo có mức giá tốt và cộng sinh được sức mạnh khác như nền tảng khách hàng, công nghệ...
Đồng thời ông cũng nói thêm, ngân hàng nhận thấy tầm quan trọng của việc tăng vốn "tự thân" - vốn chủ sở hữu - để có thể nắm bắt cơ hội trong tương lai khi cơ quan quản lý thay đổi chính sách cấp "room" tín dụng.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB chia sẻ tại đại hội cổ đông sáng 27/3. Ảnh: VIB
Tại đại hội, cổ đông cũng đặt câu hỏi khi tỷ lệ nợ xấu của VIB có xu hướng tăng khá nhanh trong năm qua. Về vấn đề này, ông Đặng Khắc Vỹ nhiều lần nhấn mạnh nợ xấu tại VIB là thực chất và bền vững. Khác với một số nhà băng khác, một ngày có thể ban hành nhiều nghị quyết tái cấu trúc nợ cho doanh nghiệp lên tới hàng nghìn tỷ đồng, ông Vỹ nói VIB hoàn toàn không có các khoản nợ tái cơ cấu cho doanh nghiệp.
"Tỷ lệ nợ xấu thực chất hay không, qua đó cũng sẽ tác động đến lợi nhuận trên báo cáo tài chính", ông Vỹ nói. Qua đó, ông lý giải lợi nhuận năm 2024 của nhà băng đi xuống phản ánh đúng bản chất năm kinh doanh khó khăn. Năm ngoái, lãi suất cho vay của VIB với nhóm khách hàng cá nhân từ 10-12% giảm xuống còn 8% để hỗ trợ nhóm này. Giảm giá cho vay trong bối cảnh giá huy động giảm không tương xứng, đồng thời cũng khiến tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của VIB tăng từ 29% lên 35%.
Hiện chưa có số liệu chính thức về kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm, song lãnh đạo VIB dự báo lợi nhuận quý I đạt 20-22% so với mục tiêu 11.000 tỷ cả năm. Theo tính mùa vụ, lợi nhuận trong các quý cuối năm sẽ tăng tốt hơn. Đồng thời, dư nợ tín dụng của VIB tính đến hết quý III ước đạt 3% trong khi dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hàng gần 2%.
Tính đến hết năm nay, VIB đặt mục tiêu tổng tài sản 600.350 tỷ, tăng 22% so với đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng dự kiến 22% đạt 395.800 tỷ đồng, huy động vốn tăng 26% lên 377.300 tỷ. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2025 đạt hơn 11.000 tỷ, tăng trưởng 22% so với năm ngoái.
Đồng thời, nhà băng này có kế hoạch chi cổ tức bằng tiền tối đa 7% vốn điều lệ, tương đương chi khoảng 2.085 tỷ. VIB cũng dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14% cho cổ đông hiện hữu và cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên tỷ lệ 0,26%, qua đó nâng vốn điều lệ từ 29.791 tỷ lên hơn 34.000 tỷ đồng.
Quỳnh Trang