Thua lỗ tài chính là thực tế trong giao dịch và đầu tư, dù là nhà giao dịch mới vào nghề, một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm hay ở mức trung gian. Mỗi nhà giao dịch đều phải chấp nhận việc sẽ phải từ bỏ một phần lợi nhuận khó kiếm được vào những thời điểm nhất định. Tuy nhiên, nhận thức việc thua lỗ là một phần tất yếu trong giao dịch cũng khá quan trọng. Điều này giúp duy trì sự bình tĩnh cho nhà đầu tư, nhất là trong những giai đoạn thị trường biến động.
Để giảm thiểu mức độ tổn thất, giúp bảo toàn một phần đáng kể vốn đầu tư và tạo cơ hội phục hồi sau khi thua lỗ, mỗi nhà đầu tư nên áp dụng một hệ thống giới hạn thua lỗ để kiểm soát tổn thất. Quy tắc giới hạn thua lỗ thực chất là những ngưỡng được xác định trước để giới hạn số tiền nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mất, dù trong giao dịch đơn lẻ hay trong khoảng thời gian nhất định.
Một số quy tắc phổ biến gồm giới hạn thua lỗ 2% cho mỗi giao dịch và giới hạn thua lỗ 6% hàng tháng. Tuy nhiên, các con số này không cố định và có thể điều chỉnh dựa trên khả năng chịu rủi ro cũng như kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư đọc bảng điện chứng khoán. Ảnh: DNSE
Quy tắc giới hạn lỗ 2%
Quy tắc 2% tức là không bao giờ để rủi ro quá 2% vốn trên một giao dịch. Mục tiêu của quy tắc này là bảo toàn vốn bằng cách đảm bảo tổn thất từ bất kỳ giao dịch nào cũng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài khoản giao dịch.
Ví dụ, một nhà đầu tư có tài khoản giao dịch với số vốn một triệu đồng. Tuân theo quy tắc 2%, số tiền tối đa có thể mất trong mỗi giao dịch là 20.000 đồng. Nếu một giao dịch không diễn ra như mong đợi, nhà đầu tư có thể cắt lỗ và giữ lại phần lớn số vốn cho những cơ hội tiếp theo.
Một số chuyên gia cũng khuyến nghị phạm vi từ 1% đến 3% cho mỗi giao dịch, tùy thuộc vào kinh nghiệm của nhà đầu tư, chiến lược được sử dụng và điều kiện thị trường chung.
Quy tắc giới hạn lỗ hàng tháng 6%
Quy tắc giới hạn lỗ hàng tháng 6% là giới hạn cho tổng số lỗ mà nhà đầu tư phải chịu trong một tháng. Ví dụ, nếu số dư tài khoản vào đầu tháng là một triệu đồng, giới hạn lỗ hàng tháng 6% sẽ chuyển thành khoản lỗ tối đa là 60.000 đồng trong tháng đó.
Giống như quy tắc 2%, nguyên tắc giới hạn lỗ hàng tháng 6% có những biến thể. Một số chuyên gia đề xuất giới hạn chặt chẽ hơn là 4%, trong khi những người khác thấy giới hạn lỗ hàng tháng 8% là phù hợp.

DNSE cung cấp giải pháp phân tích chỉ số doanh nghiệp qua Senses. Ảnh: DNSE
Quy tắc giới hạn thua lỗ không đơn thuần là những con số, mà còn thể hiện triết lý quản lý rủi ro để đạt được sự bền vững và lâu dài trong đầu tư chứng khoán. Bằng cách tuân thủ các quy tắc này hoặc điều chỉnh phù hợp với bản thân, nhà đầu tư có thể duy trì cách tiếp cận có kỷ luật, đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để giao dịch.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần thường xuyên xem xét và điều chỉnh chiến lược giới hạn thua lỗ, theo hàng tháng hoặc hàng quý, tùy hoạt động giao dịch và điều kiện thị trường. Những thay đổi trong tình hình tài chính, mục tiêu hoặc biến động thị trường cũng là tín hiệu để rà soát lại chiến lược này. Bên cạnh đó, việc cập nhật các phương pháp quản lý rủi ro sẽ giúp nhà đầu tư điều chỉnh chiến lược giới hạn thua lỗ hiệu quả.
Hiện nay, nhiều công ty chứng khoán đã phát triển các ứng dụng giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro, trong đó có hệ thống quản trị rủi ro theo từng giao dịch riêng lẻ. Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE là một trong những đơn vị tiên phong ra mắt hệ thống quản lý giao dịch và tài sản, mang đến giải pháp kiểm soát rủi ro tối ưu cho danh mục đầu tư của khách hàng.
Với hệ thống này, nhà đầu tư có thể quản lý rủi ro trên từng giao dịch mua bán cổ phiếu một cách chủ động. Các tỷ lệ ký quỹ được tính toán riêng cho từng mã cổ phiếu, thay vì áp dụng chung cho toàn danh mục. Ngay cả hoạt động kiểm soát của công ty chứng khoán bao gồm cấp margin, thu hồi nợ cũng được thực hiện trên từng giao dịch cụ thể. Nhờ đó, nhà đầu tư có thể linh hoạt điều chỉnh tỷ lệ margin theo từng mã cổ phiếu, tối ưu hóa chiến lược giao dịch một cách hiệu quả.
Anh Vũ