Những viên gạch đầu tiên
Vinpearl được thành lập năm 2001, là một trong những thương hiệu đầu tiên tập đoàn Technocom (tiền thân của Tập đoàn Vingroup) thành lập khi quay về đầu tư tại Việt Nam. Dự án ban đầu là khu nghỉ dưỡng 5 sao trên đảo Hòn Tre, một địa điểm gần như hoang sơ, thiếu điện, nước và cơ sở hạ tầng cơ bản. Đây là một bước đi mạo hiểm, đòi hỏi phải xây dựng từ con số không, từ việc kéo điện, cung cấp nước ngọt đến phát triển các tiện ích du lịch. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng chỉ sau hai năm, Vinpearl Resort Nha Trang đã hoàn thành, trở thành một trong những khu nghỉ dưỡng 5 sao tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

Quần thể Vinpearl tại đảo Hòn Tre, Nha Trang. Ảnh: Đức Hoàng
Tiếp nối thành công, năm 2006, Vinpearl Land Nha Trang ra đời khu vui chơi giải trí lớn nhất nước thời điểm đó. Một năm sau, tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới được khánh thành, kết nối đất liền với tổ hợp du lịch trên đảo. Năm 2008, Vinpearl niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM với mã VPL, trở thành một trong những doanh nghiệp nghỉ dưỡng đầu tiên có mặt trên sàn. Công ty dừng niêm yết vào cuối năm 2011 khi sáp nhập với Vincom để hình thành Tập đoàn Vingroup, một bước đi chiến lược nhằm tối ưu hóa nguồn lực, cho phép Vinpearl phát triển trong một hệ sinh thái lớn hơn, bao gồm bất động sản, bán lẻ và du lịch.
Sau sáp nhập, Vinpearl triển khai mô hình "all-in-one" với khách sạn 5 sao, công viên giải trí, sân golf, trung tâm hội nghị, khu mua sắm – ẩm thực. Hệ sinh thái nhanh chóng mở rộng từ Nha Trang ra Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Hạ Long, Hà Nội, Hải Phòng...
Năm 2014, Vinpearl Safari – công viên bán hoang dã đầu tiên tại Việt Nam – khai trương tại Phú Quốc. Đến năm 2019, toàn bộ hệ thống Vinpearl Land được nâng cấp, tái định vị thành thương hiệu VinWonders, đầu tư thêm vào trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật và sự kiện.

Khách du lịch đi tham quan Safari Phú Quốc. Ảnh: Đức Hoàng
Hồi phục sau đại dịch Covid-19
COVID-19 gây thiệt hại nặng cho ngành du lịch, Vinpearl cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, thay vì cắt giảm, doanh nghiệp quyết định chuyển đổi cách thức hoạt động sang vận hành độc lập, ứng dụng công nghệ quản trị như SAP ERP, AI, nhận diện khuôn mặt. Chiến lược "kiến tạo điểm đến" được đẩy mạnh với các tổ hợp như Grand World Phú Quốc, Vinpearl Cửa Hội, Hà Giang. Công ty cũng hợp tác với các thương hiệu quốc tế như Meliá, Marriott, tổ chức đại nhạc hội 8Wonder để tăng thu hút khách quốc tế.

Đêm nhạc 8WONDERS thu hút hàng nghìn lượt khách tham gia. Ảnh: Đức Hoàng
Nhờ các thay đổi chiến lược, năm 2024, Vinpearl đạt doanh thu 14.376 tỷ đồng, tăng 55% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 2.550 tỷ đồng, gần gấp bốn lần. Lượng khách đạt 10,9 triệu lượt, trong đó VinWonders đón gần 7 triệu lượt, tăng 39% so với cùng kỳ và vượt mức trước dịch. Bước sang quý I/2025, doanh thu từ dịch vụ cốt lõi tăng 45% lên 2.435 tỷ đồng, với lợi nhuận gộp tăng 83% đạt 450 tỷ đồng. Lượng khách tăng mạnh tại cả hai mảng khách sạn và công viên giải trí, chủ yếu đến từ các thị trường quốc tế như Ấn Độ, Trung Đông, Mỹ và châu Âu.
Trở lại thị trường chứng khoán
Sau hơn một thập kỷ vắng bóng, đầu năm 2025, Vinpearl quay lại thị trường chứng khoán. Tháng 2 năm 2025, Công ty đã phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu với tổng giá trị đợt phát hành hơn 5.000 tỷ đồng cho 105 nhà đầu tư, tương ứng 71.300 đồng một cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 17.933 tỷ đồng, qua đó gián tiếp định giá doanh nghiệp ở mức 5 tỷ USD. Theo các thông tin được công bố, số tiền huy động được sử dụng cho các thương vụ chiến lược: góp vốn vào VinWonders Nha Trang, mua lại Vinpearl Cửa Hội từ Vingroup, nhận chuyển nhượng tài sản khách sạn Sheraton Hà Giang, thanh toán nợ vay và bổ sung vốn lưu động.
Ngày 13/5, gần 1,8 tỷ cổ phiếu VPL của Công ty Cổ phần Vinpearl chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Ngay trong phiên chào sàn, cổ phiếu VPL tăng trần lên 85.500 đồng và tiếp tục tăng lên 101.000 sau 4 phiên giao dịch.
Với mức giá này, vốn hóa Vinpearl đạt khoảng 181.123 tỷ đồng, tương đương 7 tỷ USD, đưa doanh nghiệp vào top 7 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên HoSE. Thương vụ cũng nâng tổng vốn hóa nhóm cổ phiếu "họ Vin" (VIC, VHM, VRE, VPL) lên hơn 30 tỷ USD, gia tăng tỷ trọng trong rổ chỉ số VN-Index.
Theo Brand Finance, năm 2024, giá trị thương hiệu Vinpearl tăng 34%, với sức mạnh thương hiệu dần đầu Việt Nam và trong top 3 khu vực Đông Nam Á.

WinWonder đón gần 7 triệu lượt khách trong năm 2024. Ảnh: Đức Hoàng
Chiến lược mở rộng
Tính đến cuối năm 2024, Vinpearl sở hữu, quản lý, vận hành 31 khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại 18 tỉnh thành với tổng công suất hơn 16.100 phòng - chiếm gần 20% nguồn cung 5 sao toàn quốc. Bên cạnh đó là hệ thống công viên và trung tâm vui chơi giải trí quy mô lớn VinWonders, với 12 cơ sở tại các điểm đến lớn như Hà Nội, TP HCM, Nha Trang, Hội An, Phú Quốc. Ngoài ra, hệ sinh thái Vinpearl còn bao gồm 4 sân golf tại Hải Phòng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc và trung tâm hội nghị – ẩm thực Almaz.
Từ một đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú, Vinpearl đã mở rộng thành nền tảng du lịch tích hợp toàn diện, phục vụ đa phân khúc khách hàng: từ gia đình, cá nhân, đến khách doanh nghiệp và quốc tế. Chị Nguyễn Minh Anh (TP HCM), khách hàng thân thiết của Vinpearl nhận xét: "Các điểm đến của Vinpearl đều được đầu tư bài bản, đa dạng và đồng bộ dịch vụ, phù hợp với gia đình nhiều thế hệ. Tôi đặc biệt ấn tượng với Safari Phú Quốc".
Trong thời gian tới, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng thông qua việc tối ưu hóa các tài sản hiện hữu, đồng thời mở rộng quy mô với nhiều khách sạn, công viên giái trí quy mô lớn và sân golf trong các đại dự án của Vingroup, với các đại dự án tại Hạ Long Xanh và Cần Giờ được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới cho Vinpearl.
Song song, Vinpearl phát triển các sản phẩm du lịch y tế, ẩm thực, lễ hội và áp dụng tiêu chuẩn bền vững - từ năng lượng tái tạo đến quản lý chất thải tuần hoàn.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi trở lại sau đại dịch. Năm 2024, Việt Nam đã vượt Singapore để vươn lên vị trí thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về lượt khách quốc tế (sau Malaysia và Thái Lan). Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng số khách quốc tế đến nước ta đạt 7,67 triệu lượt, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam bước vào chu kỳ tăng trưởng, kết hợp với chính sách visa cởi mở và đầu tư hạ tầng được đẩy mạnh, các doanh nghiệp sở hữu nền tảng tích hợp và quy mô vận hành lớn như Vinpearl có nhiều lợi thế để khai thác dư địa thị trường. Việc trở lại sàn giao dịch với định giá hàng tỷ USD không chỉ là bước đi chiến lược về vốn, mà còn góp phần củng cố vị thế Vinpearl, định vị lại vị trí của ngành du lịch Việt trên bản đồ thế giới.
Ngọc Lệ