Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn TP HCM thực hiện đầy đủ trách nhiệm tại Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.
Đồng thời, tại các địa điểm mua, bán vàng miếng, cơ quan quản lý đề nghị các đơn vị phải thông tin cho khách hàng, người dân nhận diện được đây là địa điểm mua bán vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Cụ thể, các đơn vị thực hiện treo bảng hiệu ghi rõ thông tin là địa điểm được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng và niêm yết công khai bản sao có chứng thực giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đã cấp cho đơn vị... tùy theo vị trí phù hợp. Việc này đảm bảo để người dân nhận biết được địa điểm mua bán vàng miếng hợp pháp nhằm phân biệt với các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ khác.

Vàng miếng tại cửa hàng của SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được yêu cầu chấp hành chế độ báo cáo đúng quy định, đảm bảo số liệu, thông tin báo cáo phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định tại các thông tư hướng dẫn Nghị định 24.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước lưu ý báo cáo tình hình kinh doanh mua, bán vàng miếng và báo cáo thay đổi nội dung thông tin trên giấy phép kinh doanh, điều chỉnh địa điểm kinh doanh gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 theo đúng quy định.
Hiện, cả nước có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như SJC, DOJI, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phú Quý, Vàng Kim Ngọc Phú, Vàng bạc đá quý Ngọc Hải...
Nghị định 88/2019 nêu phạt cảnh cáo các hành vi mua bán vàng với đơn vị không có giấy phép, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng nếu tái phạm nhiều lần. Đơn vị kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép hoặc xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép có thể bị phạt từ 300 triệu đến 400 triệu đồng.
Quỳnh Trang