Sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế đối ứng áp lên gần như toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, chính quyền Mỹ đã lập danh sách 18 đối tác thương mại chính để ưu tiên đàm phán. Tuy nhiên, ngoại trừ Anh và Trung Quốc đạt thỏa thuận nhanh chóng với Mỹ, chưa có thêm nước nào đạt được đột phá giúp giảm gánh nặng thuế nhập khẩu.

Với các đồng minh lâu năm của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU), trở ngại chính là thuế nhập khẩu ôtô. Đến nay, Mỹ vẫn lưỡng lự trong việc gỡ bỏ thuế 25%, vốn đang ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế này.

Trong thỏa thuận với Anh, Mỹ đồng ý áp thuế ôtô thấp hơn nhưng chỉ cho 100.000 xe mỗi năm. Con số này ít hơn rất nhiều so với lượng xe các nước sản xuất ôtô lớn xuất sang Mỹ mỗi năm.

Trong báo cáo tài chính công bố tháng này, Toyota, Honda và Nissan đều cho biết thuế nhập khẩu khiến họ phải hạ dự báo lợi nhuận. Số liệu công bố ngày 17/5 cũng cho thấy GDP Nhật Bản co lại trong quý I, cho thấy mức độ phụ thuộc của nước này vào xuất khẩu.

Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Nhật Bản Ryosei Akazawa cho biết họ vẫn đang yêu cầu Mỹ gỡ bỏ toàn bộ thuế mà ông Trump công bố gần đây, gồm thuế ôtô, thép và thuế chung 10%.

toyota-reuters-1747645521-6942-1747645914.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EHjeleXGANyYGM5X7kTQhg

Bên trong một nhà máy của Toyota tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Hàn Quốc cũng muốn được miễn trừ thuế. Bộ trưởng Thương mại nước này đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer hôm 17/5 tại đảo Jeju. Gần đây, bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc cũng cam kết hỗ trợ doanh nghiệp giảm tác động tiêu cực.

Tại Hàn Quốc, sản xuất ôtô là ngành sử dụng nhiều lao động nhất. Xe hơi và phụ tùng linh kiện đóng góp 14% xuất khẩu nước này. Khoảng một nửa sản lượng xuất khẩu xe và phụ tùng của Hàn Quốc là sang Mỹ.

Trong khi đó, tại EU, quan chức thương mại các nước thành viên cho biết họ sẽ theo đuổi một thỏa thuận tốt hơn so với thỏa thuận Mỹ - Anh. Mỹ hiện vẫn giữ nguyên mức thuế với phần lớn hàng hóa Anh. "Tôi không nghĩ châu Âu sẽ hài lòng với mức độ đó", Thứ trưởng Kinh tế Ba Lan Michał Baranowski cho biết.

Tuy nhiên, thỏa thuận với Anh được đánh giá khá dễ đạt. Do Anh thậm chí còn thâm hụt thương mại với Mỹ. Nước này chỉ bị áp thuế 10%, trong khi Nhật Bản bị áp 24%, EU 20% và Hàn Quốc 25%.

Vài ngày sau khi Nhà Trắng công bố hoãn áp dụng thuế đối ứng ở mức cao trong 90 ngày, Nhật Bản là nước đầu tiên bắt đầu đàm phán với Mỹ. Ông Trump từng nhiều lần bày tỏ sự quý trọng cựu Thủ tướng Shinzo Abe - người đã tặng ông gậy đánh golf mạ vàng sau khi ông đắc cử năm 2016. Vợ ông Abe cũng từng đến Mar-a-Lago cuối năm ngoái sau khi Trump tái đắc cử.

Thủ tướng Shigeru Ishiba là một trong các lãnh đạo quốc tế đầu tiên thăm Nhà Trắng sau lễ nhậm chức của ông Trump. Nhật Bản không trả đũa thuế của Mỹ và ông Ishiba cũng tránh công khai chỉ trích Tổng thống Trump.

Dù vậy, Yorizumi Watanabe - cựu nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Nhật Bản cho biết họ là một trong những nước dễ đàm phán nhất với Mỹ nhất. "Chúng tôi phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ", ông giải thích.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết nước này không muốn nhượng bộ quá nhiều. Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, hai bên đã ký một thỏa thuận thương mại năm 2019. Trong đó, Nhật Bản giảm thuế cho nông sản Mỹ như thịt bò và thịt lợn đông lạnh, còn Mỹ giảm thuế với một số mặt hàng Nhật Bản như dụng cụ cơ khí.

Tuy nhiên, việc Trump tiếp tục áp thuế cho thấy ông không coi thỏa thuận này có tính ràng buộc, tương tự cách ông bỏ qua thỏa thuận USMCA với Canada và Mexico. Tại Tokyo, sự thay đổi lập trường này khiến nhiều chính trị gia bất mãn. "Kể cả khi đạt được một thỏa thuận mới dựa trên quan hệ đôi bên cùng có lợi, chúng tôi vẫn cần xác nhận rằng Mỹ sẽ thực sự tuân thủ cam kết lần này", lãnh đạo Đảng Dân chủ Lập hiến Yoshihiko Noda cảnh báo.

Giới chuyên gia cho rằng lần này, Nhật Bản có thể đề xuất nhập thêm ôtô Mỹ, điều chỉnh tiêu chuẩn an toàn xe theo chuẩn Mỹ, mở cửa cho các mặt hàng nông sản như ngô, thậm chí cả gạo - vốn đã bị loại trừ trong đàm phán năm 2019. Kỹ thuật đóng tàu của Nhật Bản cũng có thể hỗ trợ Hải quân Mỹ và giúp họ khôi phục ngành công nghiệp trong nước.

Ngoài vấn đề thuế, các bên vẫn còn những trở ngại khác. Một số đối tác thương mại có thể không sẵn sàng giảm quan hệ với Trung Quốc hoặc cho phép nội tệ tăng giá so với USD.

Dù vậy, thỏa thuận đạt được với Trung Quốc tại Geneva cũng giúp Mỹ tạm thời chuyển hướng sang các nước khác. "Thời gian qua, tôi tập trung vào các thỏa thuận tại châu Á, trong đó Trung Quốc là lớn nhất. Chúng tôi cũng có những cuộc thảo luận rất tích cực với Nhật Bản. Tình hình ở châu Á đang tiến triển rất tốt", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhận xét hôm 13/5.

Hà Thu (theo Reuters, WSJ)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022