Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam đã manh nha từ hơn 20 năm trước. Theo dữ liệu của World Bank, tính đến 2023, Việt Nam có trên 42 triệu tín chỉ được cấp bởi các tổ chức quốc tế Verra, Gold Standard hoặc theo cơ chế phát triển sạch (CDM, thành lập theo Nghị định thư Kyoto 1997). Các tín chỉ giao dịch chủ yếu thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, biogas... thu về gần chục triệu USD mỗi dự án. Quy đổi ra giá, mỗi tín chỉ carbon quanh 3-5 USD.
"Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh về nông – lâm nghiệp, trở thành bể chứa carbon lớn của thế giới", ông Trần Quang Minh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại và đầu tư tín chỉ carbon Việt Nam (Carbon Credits Vietnam) nói với VnExpress.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Thị trường tín chỉ này đang bước vào giai đoạn chín muồi của sự phát triển, theo giới phân tích, nhờ chất lượng tín chỉ cao hơn trước và giá gấp nhiều lần mức cũ trong bối cảnh khung pháp lý dần hình thành và hướng tới Net Zero vào 2050. Ví dụ, các loại tín chỉ chất lượng cao từ rừng trồng mới được các công ty công nghệ nước ngoài hỏi mua nhiều, giá trung bình 20 USD mỗi tín chỉ. Mức này gấp 4 lần khoản World Bank chi trả cho mỗi tấn CO2 giảm thải do hạn chế được mất và suy thoái rừng (REDD+) hồi đầu năm ngoái, theo ông Trần Quang Minh.
Ghi chép dữ liệu đo tại Thanh Sơn, Phú Thọ, tháng 12/2024. Ảnh:
Carbon Credits Vietnam - công ty tư vấn và môi giới trên thị trường tín chỉ carbon - đang làm việc với 10 dự án bán tín chỉ, quy mô 500 ha, tập trung tại Phú Thọ. Với mức giá quanh 20 USD một tín chỉ, Tổng giám đốc Carbon Credits Vietnam cho hay một người trồng gù hương và thông ở Phú Thọ chờ thu về 800 USD mỗi ha sau khi xác lập bán tín chỉ vào cuối năm nay.
Theo xếp hạng tín chỉ từ Công ty nghiên cứu thị trường và dữ liệu AlliedOffsets, loại từ năng lượng tái tạo có chất lượng thấp và giá rẻ nhất. Các loại tín chỉ khác như lâm nghiệp và sử dụng đất, nông nghiệp bền vững, giao thông, xử lý rác... chất lượng cao hơn. Riêng với rừng, các dự án trồng mới, tái trồng rừng (ARR) có mức giá cao vượt trội.
Ngoài ra, tín chỉ từ công nghệ than sinh học (biochar) cũng được quan tâm. Thời hạn trữ lâu, tỷ lệ phân hủy carbon thấp giúp giá loại này lên tới 150 USD, gấp 7,5 lần tín chỉ ARR.
Thực tế, các doanh nghiệp đã tăng tốc làm tín chỉ carbon từ năm ngoái. Cuối 2024, Công ty Idemitsu Kosan, Sagri (Nhật Bản) và Mía đường Lam Sơn thí điểm trồng mía bán tín chỉ trên 500 ha vùng nguyên liệu tại Lam Sơn (Thanh Hóa). Họ tiến tới thương mại hóa trên quy mô 8.000 ha, trong bối cảnh sản xuất 1 kg mía phát thải 0,5 kg khí CO2.
Không bỏ lỡ thị trường tiềm năng này, VinaCapital lập Quỹ đầu tư VinaCarbon năm 2023 nhắm vào các dự án và doanh nghiệp có khả năng tạo ra tín chỉ carbon chất lượng cao. Danh mục đầu tư ban đầu của quỹ tập trung vào các dự án sản xuất than sinh học, phát triển lâm nghiệp bền vững, nông nghiệp phát thải thấp, sử dụng năng lượng hiệu quả và các giải pháp xử lý chất thải nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Quỹ này đang trong giai đoạn xây dựng danh mục chiến lược và nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong nước, quốc tế, theo ông Vũ Chí Công - Giám đốc Quỹ đầu tư VinaCarbon.
Nhưng phát triển một dự án xác lập tín chỉ carbon không dễ. Với rừng trồng mới, một số điều kiện bắt buộc gồm không có tình trạng chặt trắng rừng trong 5-10 năm trước khi thực hiện dự án, dùng phân hữu cơ, trồng xen canh với cây bản địa... Quy trình tạo tín chỉ carbon từ lập dự án-thẩm định, đăng ký-giám sát và kiểm chứng đến khi phát hành mất 2-3 năm.
"Ngoài yêu cầu trồng đa dạng 3-5 loài thân gỗ, chúng tôi hiện tập trung vào đất tư nhân, tức chủ rừng phải sở hữu mảnh đất đó để thuận tiện giao dịch tín chỉ", bà Mai Hà Phương – Giám đốc marketing Carbon Credits Vietnam nói, thêm rằng quy mô để triển khai dự án bán tín chỉ carbon nên từ 20 ha để tối ưu nguồn thu cho chủ rừng sau khi trừ chi phí.
Thủy Trương