Trung tuần tháng 3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được giao UBND quận 1 phối hợp các sở ngành, chuyên gia để xây dựng đề án phát triển kinh tế đêm. Trước mắt, quận 1 thí điểm kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đêm dọc sông Sài Gòn, từ cầu Ba Son đến bến Nhà Rồng.

TP HCM là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm, theo Quyết định 1129 của Chính phủ năm 2020 cho phép thí điểm kéo dài thời gian hoạt động dịch vụ đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số nơi.

Lợi ích của 'Thành phố 24h'

Trước khi TP HCM lên kế hoạch lập quy hoạch bài bản cho một "Sài Gòn không ngủ", nền kinh tế ban đêm đã được chú trọng phát triển tại nhiều thành phố lớn trên thế giới các thập niên qua.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết nền kinh tế ban đêm mang lại hàng tỷ USD mỗi năm cho các thành phố và tạo ra hàng triệu việc làm. Tại London, kinh tế đêm góp 26 tỷ bảng Anh và hỗ trợ hơn một triệu việc làm. Ở New York, kinh tế đêm mang lại doanh thu hơn 35 tỷ USD hàng năm, hỗ trợ 300.000 việc làm.

Hay Hong Kong từng là biểu tượng của đời sống về đêm ở châu Á, theo CNN. Nửa đầu 2023, doanh thu của các quán bar khoảng 88,9 triệu USD, giảm so với trước Covid. Để lấy lại không khí sôi động, chính quyền Hong Kong khởi động chiến dịch "Night Vibes", tổ chức 3 chợ đêm ven sông, chi hàng triệu USD bắn pháo hoa và múa rồng. Các sự kiện thu hút từ ít nhất 100.000 người đến 460.000 người tùy dịp.

hong-kong-3788013-1280-1747453-9068-3345-1747453329.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=61m8qF1zQfwV9GZ25iLLiA

Hong Kong về đêm. Ảnh: Pixabay

Theo WEF, kinh tế đêm phát triển từ khái niệm "Thành phố 24 giờ" xuất hiện từ những năm 1980. Khi ấy, nhà xã hội học người Mỹ Murray Melbin đưa ra phép so sánh giữa tình trạng khan hiếm đất đai và khan hiếm thời gian, biến khan hiếm thời gian thành "biên giới mới" trong hoạch định đô thị.

Với "Thành phố 24 giờ" nhiều nơi bắt đầu xem thời gian như một nguồn lực để phát triển. Họ xây dựng chiến lược nhằm quản lý và phát triển đời sống ban đêm gồm các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa trong khung giờ từ 18h đến 6h sáng.

Năm 2020, Sydney ban hành chiến lược thành phố 24h (Sydney 24-hour economy strategy), cấu trúc kinh tế đêm theo 2 góc tiếp cận: thời gian và lĩnh vực. Chính quyền phân chia một ngày thành 4 mốc: ban ngày (6h sáng đến 6h tối), buổi tối (6h tối đến 9h tối), ban đêm (9h tối đến 2h sáng hôm sau) và đêm muộn (2h sáng hôm sau đến 6h sáng hôm sau).

Theo lĩnh vực, kinh tế đêm chia thành hoạt động kinh doanh lõi và ngoài lõi. Hoạt động lõi gồm: giải trí (biểu diễn văn hóa - nghệ thuật, thể thao - giải trí, rạp chiếu phim, hộp đêm, triển lãm), kinh doanh đồ ăn (cà phê, nhà hàng, xe đồ ăn, chợ đêm, dịch vụ giao đồ ăn), kinh doanh đồ uống (bars, pubs, bán lẻ rượu, thử rượu).

Trong khi đó, hoạt động ngoài lõi gồm: chăm sóc sức khỏe, tạp hóa, dịch vụ khách hàng, vận chuyển, dịch vụ khác. Hội đồng Thành phố Sydney cho biết nền kinh tế ban đêm đóng vai trò quan trọng đối với tương lai địa phương, tạo ra hơn 4,7 tỷ USD doanh thu mỗi năm, với hơn 5.900 doanh nghiệp sử dụng trên 34.000 người.

city-869064-1280-1747452631-6494-1747453330.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Wm6k5LyiXUtlRVZT-D6kqQ

Quảng trường Thời đại, New York về đêm. Ảnh: Pixabay

Tại New York, kinh tế ban đêm gồm 5 lĩnh vực: quán bar (hộp đêm, cơ sở phục vụ đồ uống có cồn), dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán cà phê), địa điểm (tụ điểm âm nhạc, không gian độc lập), nghệ thuật (triển lãm, bảo tàng, rạp chiếu phim, sân khấu) và thể thao - giải trí (sự kiện thể thao, bowling, bida, trò chơi điện tử). Trong nhóm này, dịch vụ ăn uống mang về giá trị cao nhất.

Kinh tế ban đêm không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn giúp đô thị thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao an toàn và tính bao trùm. Chẳng hạn, do thời tiết oi bức, nhiều gia đình Arab Saudi dã ngoại ở công viên sau hoàng hôn, một hình thức sinh hoạt cần được hỗ trợ bằng chính sách và thiết kế phù hợp.

Cách vận hành nền kinh tế đêm

Theo cập nhật của nền tảng Nighttime, hiện có khoảng 80 thành phố trên thế giới có tổ chức riêng để chuyên trách cho các vấn đề kinh tế ban đêm. Các văn phòng hầu hết nằm ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Châu Á - Thái Bình Dương chỉ ghi nhận 2 thành phố có cơ quan chuyên trách là Tokyo và Sydney.

Các tổ chức này được thành lập với 2 mục đích chính. Thứ nhất, phụ trách xây dựng và thúc đẩy các đề án, chương trình, chính sách và truyền thông về phát triển kinh tế đêm. Thứ hai, họ là "cầu nối" giữa chính quyền địa phương và các chủ thể liên quan trong hệ sinh thái để kết nối đầu tư cũng như ghi nhận đề xuất, phản hồi.

Hiện có hai hình thức chính của tổ chức phụ trách kinh tế đêm là cơ quan công lập hoặc tổ chức độc lập ngoài nhà nước. Mô hình cơ quan quản lý trực thuộc chính quyền được áp dụng thành công ở nhiều thành phố lớn như Sydney (Australia), New York, San Francisco (Mỹ), London (Anh).

Một số nơi gọi chức danh phụ trách là "Night Mayor" hoặc "Night czar". Ví dụ, năm 2016, Thị trưởng thành phố London bổ nhiệm "Night Czar", chuyên trách về kinh tế đêm và đầu mối chính kết nối chính quyền với người dân, doanh nghiệp.

amsterdam-4693608-1280-1747452-5949-2850-1747453330.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Mx4J_8bNd7Crt7Lg-qUddA

Một góc thành phố Amsterdam về đêm. Ảnh: Pixabay

Tại một số thành phố khác như Amsterdam (Hà Lan), kinh tế đêm được thúc đẩy thông qua những cơ quan độc lập, không trực thuộc chính quyền. Họ đại diện cho các bên liên quan và các nhóm lợi ích thông qua các hoạt động vận động hành lang, nghiên cứu và đưa ra các đề xuất chính sách.

Ví dụ, Văn phòng quản lý ban đêm (Night Mayor Office) của Amsterdam là một tổ chức phi lợi nhuận nhưng làm việc chặt chẽ với chính quyền nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới quy hoạch và cấp phép, cũng như điều hòa các mâu thuẫn với chủ cơ sở kinh doanh ban đêm. Vào 2012, họ vận động thành công chính sách cấp phép hoạt động 24 giờ cho một số vũ trường và dịch vụ ăn uống.

Các tổ chức cũng có thể là đại diện một ngành hoặc nhóm ngành đặc thù. Tại Berlin và Zurich (Đức), Ủy ban về Bar và Hộp đêm là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp ngành này. Ở San Francisco (Mỹ), Ủy ban về Giải trí được thành lập nhằm quản lý các hoạt động vui chơi về đêm.

Thông qua nghiên cứu và đánh giá nền kinh tế ban đêm điển hình trên thế giới, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) rút ra 3 kinh nghiệm cho quận 1.

Thứ nhất, phát triển kinh tế ban đêm không chỉ thúc đẩy tiêu dùng mà còn hướng đến tăng gắn kết cộng đồng, cảm giác an toàn đô thị và chất lượng sống. Việc mở rộng hoạt động đêm nếu được quản lý tốt sẽ tạo thêm việc làm, kích thích hạ tầng phát triển, phục vụ nhóm dân cư khó tiếp cận không gian công cộng vào ban ngày. Kinh tế đêm cũng cần kết hợp hài hòa giữa giải trí, sáng tạo, và bảo tồn văn hóa - lịch sử, được tích hợp trong một chiến lược tổng thể, bài bản.

Thứ hai, cần một cơ quan chuyên trách về kinh tế đêm để điều phối chính sách và đảm bảo sự phối hợp giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, mỗi địa phương cần xây dựng mô hình phù hợp với đặc thù kinh tế, văn hóa và ưu tiên phát triển riêng, thay vì sao chép máy móc từ nơi khác.

Thứ ba, mọi chính sách kinh tế đêm cần được xây dựng trên cơ sở tham vấn và khuyến khích sự tham gia của ba nhóm chủ thể: người quản lý, người làm việc và người hưởng thụ ban đêm. Thay vì tiếp cận từ trên xuống, cần có cơ chế linh hoạt để huy động xã hội cùng góp ý tưởng và nguồn lực, tạo ra nền kinh tế ban đêm bền vững và bao trùm.

Viễn Thông

>>Bài 3: Mở khóa tiềm năng cho kinh tế đêm quận 1 từ đâu?

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022