Trong bài viết Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá những thành công trên chặng đường gần 40 năm Đổi mới có sự đóng góp rất lớn của khu vực kinh tế tư nhân, và khu vực này là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Hiện khu vực kinh tế tư nhân có hơn 6,1 triệu cơ sở kinh doanh, gồm khoảng 940.000 doanh nghiệp và trên 5,2 triệu hộ kinh doanh.

Trên thế giới, kinh tế tư nhân cũng là động lực phát triển của hàng loạt quốc gia. Tại Trung Quốc, thành phần kinh tế tư nhân xuất hiện từ những năm 1980 và tăng trưởng nhanh chóng trong 4 thập kỷ sau đó. Cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình được coi là kiến trúc sư trưởng cho chính sách cải tổ và mở cửa tại đây. Từ cuối thập niên 70, nước này đã tìm cách tăng hội nhập với thế giới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khuyến khích lĩnh vực tư nhân phát triển.

China Daily cho biết việc cải tổ kinh tế tập trung vào năng suất, ban đầu được thử nghiệm ở một ngôi làng nhỏ tại tỉnh An Huy, sau đó nhanh chóng lan rộng ra cả nước. Khi không còn nền kinh tế tập trung, các nông dân được khuyến khích làm việc chăm chỉ hơn khi được giao đất và tùy ý xử lý nông sản dư thừa.

Năm 1980, Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn được chọn phát triển thành các đặc khu kinh tế. Chính phủ Trung Quốc cũng bắt đầu giảm và xóa bỏ thuế nhập khẩu, khuyến khích đầu tư nước ngoài, thành lập doanh nghiệp tư nhân, áp dụng công nghệ và khoa học để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - kỹ thuật.

Thành quả của chính sách này là Thâm Quyến từ làng chài 30.000 dân sống rải rác trong các ngôi làng nhỏ, giai đoạn 1978-2014, GDP thành phố này tăng 24.500% và trở thành trung tâm công nghệ mới.

Trung Quốc cũng chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp lên trung bình cao, theo Ngân hàng Thế giới (WB), và hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chính sách hỗ trợ khoa học - công nghệ cũng giúp nước này tạo ra hàng loạt gã khổng lồ như Alibaba, Tencent, Huawei...

Hiện tại, công ty tư nhân chiếm 92% tổng số doanh nghiệp tại nền kinh tế thứ hai thế giới. Số này đóng góp 50% ngân sách, hơn 60% GDP, 70% đổi mới công nghệ và 80% việc làm thành thị của nước này.

shenzhen-1964-1743072119-5971-1743073270.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HHPDA-_bN0cRZSM340roOw

Thâm Quyến năm 1964 và 2022. Ảnh: Reuters, Guardian

Tuy nhiên, việc Bắc Kinh siết quản lý lĩnh vực tư nhân vài năm qua khiến doanh nghiệp tăng trưởng chậm, đầu tư giảm sút và tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng lên. Để khắc phục, từ năm 2023, giới chức Trung Quốc đưa ra một số biện pháp chủ chốt. Trong đó có văn bản hướng dẫn gồm 31 điểm để thúc đẩy kinh tế tư nhân, từ việc thành lập một cơ quan phụ trách trong Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) đến đưa ra bộ luật riêng để hỗ trợ khu vực này.

Giữa tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức cuộc gặp với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước này, với thành phần tham dự và vị trí ngồi của các CEO trở thành tâm điểm chú ý của giới phân tích. Tại Đại lễ đường Nhân dân, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi và Chủ tịch BYD Vương Truyền Phúc ngồi đối diện ông Tập. Jack Ma (Alibaba) và Pony Ma (Tencent) - hai doanh nhân từng là tâm điểm của chiến dịch siết quản lý khu vực tư nhân cũng ngồi hàng đầu. Nhà sáng lập Meituan Vương Hưng, ngồi hàng hai. Lãnh đạo các hãng công nghệ Xiaomi và startup AI DeepSeek đình đám gần đây cũng tham dự.

AFP-20250217-XxjpbeE007501-202-2037-2669-1743073270.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8BZVTzreGGpegJflxZp8Xg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi tại cuộc họp hôm 17/2. Ảnh: AFP

Việc này cho thấy sự ưu tiên của ông Tập với khu vực kinh tế tư nhân, trong bối cảnh Trung Quốc tăng trưởng chậm nhiều năm qua, bất động sản chưa thoát khủng hoảng và căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang. Chính quyền Bắc Kinh nhận thấy cần thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân để vượt qua hàng loạt vấn đề lớn, từ làm chủ công nghệ, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng đến vượt qua bẫy thu nhập trung bình và cạnh tranh với Mỹ.

Trong báo cáo công tác chính phủ hồi đầu tháng, giới chức Trung Quốc cho biết sẽ khuyến khích đầu tư tư nhân bằng các cơ chế mới trong hợp tác công-tư (PPP), dự án cơ sở hạ tầng và xã hội lớn.

Zheng Bei - Phó chủ tịch NDRC cho biết nước này sẽ giảm rào cản đầu tư và xem xét lại danh sách hạn chế tiếp cận thị trường sớm nhất có thể. Họ cũng tăng mở cửa về cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ cho doanh nghiệp tư nhân. Nhiều rào cản khác, như tiếp cận vốn vay, cũng được xóa bỏ.

Tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu xuất hiện từ thập niên 50, sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Kinh tế nước này khi đó chủ yếu dựa vào nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, còn sản xuất công nghiệp vẫn yếu. Quy mô kinh tế khu vực tư nhân còn nhỏ, chủ yếu ở các địa phương.

Bước ngoặt diễn ra vào thập niên 60, sau khi Tổng thống Park Chung-hee lên nắm quyền. Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu tập trung công nghiệp hóa nhanh, nhắm vào các lĩnh vực như thép, đóng tàu, hóa chất, điện tử tiêu dùng và xe hơi. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời đó chủ yếu là vốn vay để xuất khẩu và ưu đãi thuế. Trong đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được coi là góp công lớn trong sự hình thành và tăng trưởng nhanh chóng của dòng vốn tư nhân.

Nhờ các ưu đãi này, các chaebol (tập đoàn gia đình lớn) bắt đầu xuất hiện. Những doanh nghiệp như Samsung, SK, Lotte, Hyundai... trở thành lực đẩy cho tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Hàn Quốc trong vài thập kỷ sau đó.

Một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 1998 cho thấy 30 chaebol hàng đầu thời đó thống trị gần như toàn bộ lĩnh vực trong nền kinh tế, trừ nông nghiệp. Khoảng hai phần ba trong 100 công ty sản xuất lớn nhất Hàn Quốc thuộc sở hữu của các chaebol.

Năm 1995, 30 chaebol lớn nhất đóng góp 16% GDP cả nước và 41% GDP ngành sản xuất Hàn Quốc (tăng 20% so với một thập kỷ trước). Nhóm này tạo ra 5% việc làm, chiếm nửa kim ngạch xuất khẩu và 14% dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại.

SS-1743415361-3612-1743415452.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kDcInJuAXw4X6zwD0LLdMw

Bên trong một cửa hàng của Samsung tại thành phố New York (Mỹ). Ảnh: Reuters

Thành công thời kỳ đầu của các chaebol giúp người dân tăng thu nhập, chất lượng cuộc sống và thúc đẩy xuất khẩu của quốc gia, New York Times cho biết.

Từ một nước nghèo hậu chiến tranh, Hàn Quốc hiện là quốc gia phát triển. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập quốc gia (GNI) bình quân của người Hàn Quốc tăng hơn 290 lần trong 61 năm, từ 120 USD năm 1962 lên gần 35.500 USD vào 2023. Xuất khẩu năm 2016 chiếm hơn 40% GDP, gấp 10 lần sau 55 năm.

Dù vậy, sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Seoul bắt đầu thực hiện cải tổ nhằm tăng minh bạch quản trị, giảm trợ cấp chính phủ và tập trung quyền lực kinh tế của các chaebol. Họ chuyển hướng sang các chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), thay vì các tập đoàn lớn. Nhóm này được hỗ trợ vay vốn, giảm thuế và tư vấn hoạt động.

Quan điểm này vẫn được áp dụng đến ngày nay. Hàn Quốc muốn cân bằng cấu trúc kinh tế và biến SME thành động lực tăng trưởng mới. Nước này hiện có hơn 8 triệu doanh nghiệp, trong đó 99,9% là công ty nhỏ và vừa.

Năm 2017, Hàn Quốc còn thành lập Bộ phụ trách SME và Startup. Bộ này đã đưa ra nhiều chương trình như Startup Growth Technology Development - hỗ trợ vốn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), Regulation Navigation - cung cấp thông tin về thay đổi chính sách, hay Startup Regulation Tree nơi giúp doanh nghiệp hiểu rõ quy định trong các ngành công nghiệp mới.

Ấn Độ cũng là quốc gia hưởng lợi từ việc hỗ trợ kinh tế tư nhân. Quốc gia Nam Á bắt đầu mở cửa nền kinh tế năm 1991, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Việc tự do hóa thương mại quốc tế, giảm chính sách quản lý với ngành công nghiệp, cải tổ thuế và tư nhân hóa nhiều lĩnh vực công giúp nước này tăng trưởng mạnh trong thập niên 90 và những năm 2000.

Theo báo cáo của ADB, đóng góp của lĩnh vực này vào GDP Ấn Độ đã tăng từ 66% thập niên 80 lên hơn 80% những năm 2000. Tư nhân cũng tạo ra hơn 90% việc làm kể từ những năm 80. Nhóm này còn là lực đẩy chính cho đầu tư tại quốc gia Nam Á.

Lĩnh vực kinh tế tư nhân của Ấn Độ gồm nông nghiệp, doanh nghiệp SME trong ngành công nghiệp - dịch vụ và các tập đoàn lớn trong nước. ADB cho rằng sự sôi động và khả năng nắm bắt cơ hội của lĩnh vực tư nhân là điều thiết yếu giúp quốc gia Nam Á này đạt tăng trưởng bao trùm.

Để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, New Delhi tập trung vào các dự án PPP. Họ lập cơ quan đánh giá và phê duyệt riêng, chuẩn hóa các văn bản, tăng cấp vốn và cải thiện việc quản trị cho các dự án PPP để tránh nảy sinh xung đột.

Năm 2009, quốc gia Nam Á cũng thành lập riêng cơ quan thu hút đầu tư, có tên Invest in India. Nhiệm vụ của cơ quan này là hỗ trợ thủ tục, chính sách cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài muốn rót tiền vào Ấn Độ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao.

Họ cũng đưa ra hàng loạt sáng kiến khuyến khích khởi nghiệp, nội địa hóa sản xuất, như Make in India, Startup India hay One District One Product. Theo số liệu của WEF, Ấn Độ hiện có hơn 90.000 startup, với hơn 100 kỳ lân - công ty được định giá hơn 1 tỷ USD.

Phillipines khởi động quá trình tư nhân hóa nền kinh tế từ năm 1986. Khi đó, hàng loạt lĩnh vực từ viễn thông, vận tải biển tới hàng không và bán lẻ được mở cửa cho cạnh tranh. Đến cuối thập niên 90 thế kỷ trước, khoảng 80% doanh nghiệp do chính phủ sở hữu hoặc kiểm soát đã được tư nhân hóa, theo báo cáo năm 2011 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tư nhân dẫn đầu trong nhiều hoạt động đầu tư, như cung cấp dịch vụ viễn thông, xe bus, xe tải hay phân phối điện. Cũng trong báo cáo năm 2011, ADB cho biết kinh tế tư nhân đóng góp 93% GDP và hơn 92% lao động cho Philippines. Lĩnh vực này được đánh giá là trụ cột tăng trưởng và lực đẩy cho đột phá, sáng tạo tại đây.

philippines-1743073009-1743073-9476-7034-1743073271.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ll--7CoPISR4hNVDWz1SnQ

Bên trong một khu chợ ở Quezon (Philippines). Ảnh: Reuters

Chính quyền Manila hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển theo 3 hướng, gồm giúp doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), tăng các dự án PPP và thu hút vốn FDI.

Quốc gia này vạch kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp MSME theo từng giai đoạn, bình quân 5 năm một lần từ 2004 đến nay. Nước này hiện tại có hàng chục chương trình hỗ trợ SME, từ cung cấp vốn vay lãi suất thấp, đào tạo kỹ năng quản lý, khởi nghiệp đến giúp tiếp cận khách hàng. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa hiện tăng lên khoảng 1 triệu.

Các dự án PPP cũng được đẩy mạnh kể từ thập niên 90. Khi đó, Philippines là nước dẫn đầu trong nhóm quốc gia đang phát triển về thực hiện dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức này. Họ cũng là một trong các nước đầu tiên có luật BOT (Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao).

Nước này cũng tích cực thu hút FDI qua việc lập nhiều khu chế xuất, hay các dự án lớn mà họ thiếu kỹ thuật và nguồn lực tài chính. Năm 1993, họ cho phép người nước ngoài thuê đất 50 năm và gia hạn thêm 24 năm tiếp theo. Doanh nghiệp được phép chuyển toàn bộ lợi nhuận ra nước ngoài. Công ty tư nhân cũng gặp ít rào cản hơn khi vay nước ngoài... Những cải tổ trên giúp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất từ các doanh nghiệp đa quốc gia tăng vọt trong thập niên 90.

Hiện tại, quốc gia ở khu vực Đông Nam Á này vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp. ADB cho rằng với những chính sách mạnh mẽ thúc đẩy tư nhân, nước này sẽ hiện thực hóa được mục tiêu tiến lên nền kinh tế thu nhập trung bình cao.

Hà Thu (tổng hợp)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022