Từ 2022, Gucci chấp nhận thanh toán bằng 10 loại tiền số với hầu hết sản phẩm bán tại Mỹ. Danh sách các thương hiệu xa xỉ thử nghiệm thanh toán bằng tiền số còn có Hublet, Tag Heuer.
Vài tuần trước, chuỗi trung tâm thương mại xa xỉ Printemps (Pháp) thông báo hợp tác với sàn tiền số lớn nhất thế giới - Binance và fintech Lyzi (Pháp) để trở thành trung tâm thương mại đầu tiên ở châu Âu chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin và Ethereum. Họ cũng muốn mở rộng dịch vụ này sang New York (Mỹ).
Hãng sản xuất bật lửa và bút cao cấp S.T. Dupont cũng cho biết trên Reuters rằng họ đặt mục tiêu nhận thanh toán bằng tiền số tại 2 cửa hàng ở Paris trước kỳ nghỉ lễ. Từ đầu tháng, hãng du thuyền Virgin Voyages cũng đưa ra dịch vụ đầu tiên chấp nhận Bitcoin. Đó là gói 120.000 USD dùng du thuyền trong một năm.
Bên trong một cửa hàng của hãng sản xuất hàng xa xỉ S.T. Dupont. Ảnh: S.T. Dupont
Các động thái trên được đưa ra trong bối cảnh giá Bitcoin gần đây tăng cao, khiến các thương hiệu muốn tham gia thị trường này. "Chúng tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi. Mối quan tâm ngày càng gia tăng", David Princay – Giám đốc Binance tại Pháp cho biết trên Reuters. Ông tiết lộ công ty đang thảo luận với một số hãng xa xỉ về vấn đề thanh toán.
Giới chức từ lâu đã cảnh báo tiền số, như Bitcoin, là tài sản có mức độ rủi ro cao và ứng dụng thấp trong cuộc sống. Biến động giá lớn cũng là rào cản chủ yếu của tiền số với vai trò công cụ thanh toán.
Tuy nhiên, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết sẽ tạo ra môi trường thân thiện hơn với tiền số, giá Bitcoin gần đây tăng mạnh, có thời điểm chạm 106.500 USD một đồng. Các nhà phân tích tại S&P cũng cho rằng tình hình đang thay đổi, khi những cải tiến của khối chuỗi có thể giúp tăng dự báo biến động tiền số.
Các hãng xa xỉ từ lâu đã muốn tiếp cận nhóm người mua giàu có trong giới công nghệ. Họ mở thêm nhiều cửa hàng ở Thung lũng Silicon và ra mắt nhiều sản phẩm hợp tác với các hãng công nghệ, như Apple Watch với phần dây da của Hermes. Balenciaga thậm chí ra mắt bao da đựng ổ cứng chứa tiền số, giá 350 euro (368 USD). Bao da này có kèm theo móc khóa với hình tháp Effiel trang trí và chip NFC dưới logo.
Việc chấp nhận thanh toán bằng tiền số cũng có thể là cách các công ty này quảng bá mình tân tiến hơn "thương hiệu cũ kỹ chỉ bán hàng cho người già", Andrew O’Neill - nhà phân tích tài sản số tại S&P Global Ratings nhận định.
Gregory Boutte - Giám đốc khách hàng tại Kering cho biết họ áp dụng chiến lược "thử nghiệm và học hỏi" khi tiếp cận tiền số. Ông nhấn mạnh điều này có thể giúp họ tiếp cận khách hàng trẻ và người tiêu dùng châu Á.
Dù vậy, lựa chọn thanh toán bằng tiền số chủ yếu mang nghĩa biểu tượng. Vì các hãng bán lẻ thường sẽ đổi lại số này sang euro hoặc USD để bù đắp rủi ro biến động. Còn với các nhà đầu tư Bitcoin, hàng xa xỉ cũng là lựa chọn tốt để đa dạng hóa danh mục tài sản.
Hà Thu (theo Reuters)