Từ 13/9, khoảng 30.000 công nhân Boeing thuộc công đoàn IAM (Hiệp hội Công nhân và thợ máy hàng không quốc tế) bắt đầu đình công. Nhóm này lắp ráp máy bay 737 MAX, 777 và 767 tại nhà máy ở Seattle và Portland. Họ không hài lòng với thỏa thuận lao động sơ bộ mà các lãnh đạo IAM đạt được với Boeing tuần trước.

Việc này khiến công việc của tân CEO Boeing Kelly Ortberg trở nên khó khăn. Hãng sản xuất máy bay Mỹ vốn đang đối mặt với hàng loạt vấn đề, từ tốc độ đốt tiền nhanh, chuỗi cung ứng gặp khó đến cuộc khủng hoảng về chất lượng sản xuất. Tính từ quý II/2019 - thời điểm xảy ra tai nạn chết người với 737 Max khiến dòng này bị cấm bay 20 tháng - đến tháng 5 năm nay, hãng này ghi nhận khoản lỗ hoạt động gần 32 tỷ USD.

Các hãng đánh giá tín nhiệm lớn đồng loạt đưa ra cảnh báo nếu đình công kéo dài, họ sẽ hạ xếp hạng trái phiếu của Boeing xuống mức "không khuyến nghị đầu tư". Với khối nợ ròng hơn 45 tỷ USD, việc hạ xếp hạng sẽ làm tăng chi phí vay và cản trở nỗ lực huy động vốn của hãng sản xuất máy bay này. Phiên cuối tuần trước, cổ phiếu hãng này giảm gần 4%, xuống thấp nhất hai năm.

Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch cho biết nếu cuộc đình công kéo dài 1-2 tuần, xếp hạng của Boeing sẽ không chịu ảnh hưởng. Nhưng nếu lâu hơn, họ phải xem xét lại. Moody’s cũng bày tỏ lo ngại về dòng tiền của nhà sản xuất máy bay Mỹ, khi đặt mức xếp hạng của công ty vào diện xem xét hạ bậc. Dòng tiền của Boeing hiện không đủ trả khoản nợ 4,3 tỷ USD đáo hạn năm sau và 8 tỷ USD năm 2026. Moody’s dự báo hãng sẽ phát hành thêm trái phiếu mới để bù vào phần hụt này.

Cả Fitch và Moody’s hiện đánh giá nợ của Boeing chỉ cao hơn một bậc so với mức khuyến nghị đầu tư. Sheila Kahyaoglu - nhà phân tích tại Jefferies - tính toán mỗi lần bị hạ bậc tín nhiệm, Boeing phải trả thêm 100 triệu USD tiền lãi một năm. Năm qua, công ty này đã trả hơn 2 tỷ USD tiền lãi.

boeing-bung-cua-9732-1726461279.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=igRduuhOfF6Jn-QWgIAeaQ

Phần bị bung trong sự cố của máy bay Boeing 737 MAX 9 ở Mỹ ngày 5/1. Ảnh: X/ FL360aero

Nửa đầu năm nay, Boeing đã chi hơn 1 tỷ USD mỗi tháng. Hồi tháng 7, họ dự báo đốt 5-10 tỷ USD tiền mặt năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là việc sản xuất dòng máy bay 737 bị chậm lại khi công ty cần giải quyết các vấn đề chất lượng sau sự cố máy bay của Alaska Airlines bung thân hồi tháng 1.

Công ty cũng đang gặp khó khăn trong sản xuất các model còn lại, do thiếu nguồn cung và một số vấn đề khác. Bộ phận quốc phòng của Boeing - chuyên sản xuất máy bay chiến đấu F-15 và trực thăng Chinook cho Lầu Năm Góc - không có lãi. Tàu vũ trụ Starliner đối mặt với tương lai thiếu chắc chắn sau khi xảy ra các vấn đề kỹ thuật, khiến hai phi hành gia bị mắc kẹt trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Giám đốc Tài chính Brian West cho biết công ty sẽ nhanh chóng đưa ra đề xuất thứ hai với người lao động. Tuần trước, CEO Kelly Ortberg đến thăm các nhà máy, nói chuyện và lắng nghe ý kiến của công nhân. Trong một lá thư gửi đến các thành viên công đoàn, ông thừa nhận những sai lầm của hãng đã phần nào dẫn đến tình cảnh hiện tại.

Các bên dự kiến tiếp tục đàm phán vào ngày 17/9. Dù vậy, Ortberg không có nhiều thời gian.

Boeing-reuters-4652-1726461279.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Fz82DK04iHU2UGztyaFPYg

Một chiếc Boeing 777 trình diễn tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Paris năm 2023. Ảnh: Reuters

Jon Holden - một lãnh đạo tại IAM cho biết Ortberg đang ở vị trí khó khăn khi cố gắng giảm bớt mâu thuẫn giữa liên đoàn và lãnh đạo hãng sản xuất máy bay Mỹ trong nhiều năm qua. Các thợ máy lâu năm tức giận vì các nhượng bộ của công đoàn trong 16 năm qua, khiến quyền lợi hưu trí và y tế của họ giảm sút. Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, trong khi lương khởi điểm không thay đổi. "Rất khó để bù đắp cho 16 năm qua", Holden nói.

Một cuộc đình công kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp của Boeing - những doanh nghiệp vừa hồi phục sau đại dịch và việc 737 MAX bị cấm bay. Các nhà sản xuất linh kiện nhỏ sẽ chịu thiệt hại lớn, vì buộc phải giảm nhân viên khi đơn hàng cạn kiệt. Sau đó, họ phải tuyển dụng và đào tạo lại nhân viên.

Để tránh tình trạng đó, hãng sản xuất máy bay Mỹ thời gian qua hạn chế cắt đơn đặt hàng linh kiện, dù họ giảm tốc độ sản xuất. Điều này có nghĩa công ty đang giữ hàng tỷ USD linh kiện chưa sử dụng. Vì thế, ngay khi cuộc đình công bắt đầu, hãng thông báo các nhà cung cấp ngừng gửi linh kiện.

Nhà phân tích Ken Herbert tại RBC cho biết CEO Ortberg sẽ phải giải quyết cuộc đình công trong một tuần để tránh làm tổn hại danh tiếng của mình. Cuộc đình công gây áp lực lên lãnh đạo Boeing, nhưng sẽ không làm chệch hướng nỗ lực dài hạn của Ortberg trong thực hiện những thay đổi tại công ty này.

"Đây chắc chắn không phải là khởi đầu như mong đợi cho tân CEO Boeing", Herbert kết luận trong báo cáo mới nhất.

Hà Thu (theo WSJ, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022