Thông điệp được Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng chia sẻ tại Hội nghị Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam tổ chức chiều 28/3.
Khi xây dựng trung tâm tài chính, Việt Nam có những lợi thế sẵn như vị trí chiến lược ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á, múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, thuận lợi thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.
Xây dựng trung tâm tài chính không phải là nội dung mới trên thế giới, nhưng Bộ trưởng Tài chính nhìn nhận, với Việt Nam, đây là bài toán khó và chưa có tiền lệ.
Là cơ quan được giao chủ trì nghiên cứu, lãnh đạo Bộ Tài chính nói: "Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ". Đồng thời, ông khẳng định Việt Nam cam kết xây dựng một mô hình mở, minh bạch, hiện đại và thân thiện với nhà đầu tư quốc tế, đảm bảo sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính quốc gia.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng chia sẻ tại hội nghị 28/3. Ảnh: MOF
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng gợi ý một số định hướng để Việt Nam xây dựng thành công mô hình này. Trong đó, TP HCM được định hướng phát triển thành trung tâm tài chính với "bản sắc" riêng biệt, bên cạnh học hỏi từ các mô hình thành công trên quốc tế.
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, cho rằng có ba lĩnh vực sản phẩm mà Việt Nam có thể phát triển mạnh. Thứ nhất là lĩnh vực tài chính xanh. Theo ông, Việt Nam là một trong số ít quốc gia công nghiệp hóa, dẫn đầu về thương mại, có khả năng đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng quốc gia bằng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam sẽ cần một khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng.
Thế mạnh thứ hai theo ông Jens Lottner, là dịch vụ tài chính số. Tại Việt Nam, cứ ba người lại có một người sở hữu tài sản kỹ thuật số hoặc tiền mã hóa. Ông cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm tài chính số, bao gồm tài sản số thực và mã hóa tài sản cũng như tiền tệ kỹ thuật số. Chính các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các công nghệ này, và chính những nhu cầu thực tiễn đó sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính số.
Thứ ba là tài trợ thương mại. Đây là một lĩnh vực theo ông Jens, đang phát triển mạnh mẽ và có thể được tư duy lại hoàn toàn nhờ vào công nghệ. Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất thông minh, với hàng loạt khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) từ các tập đoàn FDI lớn như Foxconn... "Chúng ta có thể dễ dàng hình dung một thế giới nơi mọi sản phẩm, ví dụ như một chiếc iPad, có thể được theo dõi từ dây chuyền lắp ráp đến khi vận chuyển nhờ vào công nghệ blockchain. Nhờ đó, tất cả thông tin tài chính liên quan sẽ được tích hợp hoàn toàn vào chuỗi cung ứng mà không cần bất kỳ thủ tục bổ sung nào", ông Jens nói.
Ba lĩnh vực này đều chưa có một trung tâm tài chính lớn nào thống lĩnh hoàn toàn. Do đó, Tổng giám đốc Techcombank đánh giá Việt Nam có những điều kiện phù hợp, bao gồm nhu cầu thực tế, con người tài năng, và tiềm lực trí tuệ để phát triển ba mảng này.
Trong khi đó, ông Andrew Oldland, Trưởng nhóm công tác về Trung tâm tài chính quốc tế, Tổ chức TheCityUk chỉ ra các lĩnh vực cần tập trung phát triển như thị trường vốn; tăng cường tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư vào thị trường hàng hóa phái sinh.
Về thị trường vốn, theo ông Andrew, việc chuyển đổi từ thị trường cận biên (Frontier) sang thị trường mới nổi (Emerging) là điều thiết yếu. Việt Nam vẫn còn một số việc cần làm, bao gồm tăng cường tính minh bạch, quy trình đăng ký và thanh toán bù trừ. Bên cạnh đó, sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức vào thị trường vốn vẫn còn hạn chế. Đây là điều cần được cải thiện, đặc biệt khi Việt Nam chuẩn bị các kế hoạch hưu trí cho các thế hệ tương lai.
Thứ hai, ông khuyến nghị Việt Nam cần giữ chân các công ty khởi nghiệp và giúp họ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn. Với thị trường hàng hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực phái sinh, ông cũng cho rằng có thể hoạt động hiệu quả hơn.
Các ưu tiên quan trọng khác như tài chính xanh, công nghệ tài chính, Việt Nam có thể cân nhắc. Tuy nhiên, các sáng kiến này theo Andrew, cũng cần bổ sung và phù hợp với những chiến lược quốc gia quan trọng đang được triển khai. Dự án này cần được thực hiện theo từng giai đoạn, một cách cẩn trọng và phù hợp với bối cảnh chính trị - kinh tế của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được khẳng định, thành phố đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển hạ tầng số theo chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế, theo ông, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho TP HCM mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa tới các đô thị lân cận và khu vực Đông Nam Á.
Quỳnh Trang