Sau Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Israel được ký kết tháng trước, nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước đã được mở ra với kỳ vọng thương mại song phương sẽ đạt 3-4 tỷ USD.
Một trong những kết quả đầu tiên là sắp có đường bay thẳng giữa Hà Nội - Tel Aviv (thành phố đông dân thứ hai Israel). Việc Việt Nam cấp visa điện tử cho Cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả nước, vùng lãnh thổ từ 15/8 tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại hai nước.
"Đây là vấn đề cơ bản trong chuyến đi của đoàn Việt Nam đến Israel trước đó. Cuối tháng 9, đầu tháng 10 này đường bay của Vietjet kết nối hai nước sẽ được thiết lập", Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói tại Diễn đàn Kinh tế và giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Israel sáng 16/8.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Diễn đàn sáng 16/8. Ảnh: Moit
Theo Bộ trưởng, những điều này sẽ là nền tảng thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa hai nước về sau. Ông cũng hy vọng các doanh nghiệp Israel sớm có các dự án đầu tư mới vào Việt Nam, đặc biệt ở các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học, điện tử. Bộ Công Thương cam kết sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên làm ăn, buôn bán.
Tháng 12/2020, Bộ Ngoại giao Việt Nam - Israel đã ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không giữa 2 nước, trong đó có kế hoạch mở đường bay thẳng. Thời điểm đó, nhiều nhận định đánh giá, một trong những trở ngại chính khiến thương mại song phương chưa phát triển xứng tầm là do hai nước chưa có đường bay thẳng.
Trước thông tin của Bộ trưởng Công Thương Việt Nam, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat nói, đây là cột mốc vô cùng quan trọng.
"Chúng ta sẽ có cơ hội tuyệt vời để hai nước đẩy mạnh tăng trưởng trong du lịch, kinh doanh cũng như lĩnh vực khác", ông Nir Barkat đánh giá. Việc tạo hành lang kết nối thuận lợi sẽ giúp nhiều sản phẩm của Việt Nam tiếp cận nhanh chóng với thị trường Israel; ngược lại, công nghệ của Israel sẽ dễ dàng đến với Việt Nam.
Về hợp tác đầu tư, Bộ trưởng Nir Barkat cho biết, hiện Israel muốn tập trung vào 7 nhóm ngành mà nước này có thế mạnh, gồm: công nghệ cao; an ninh nội địa; ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất; y tế và các lĩnh vực đời sống; lĩnh vực công nghệ sa mạc, nông nghiệp, thực phẩm; du lịch ứng dụng công nghệ cao.
Với người Israel, Việt Nam là một mảnh đất đầy tiềm năng không chỉ vì quy mô dân số gần 100 triệu người, tốc độ tăng trưởng nhanh, mà còn là cửa ngõ quan trọng để tiếp cận những thị trường khác. Việt Nam là thành viên của ASEAN và có 16 FTA với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Ông Nir Barkat đề nghị Israel sẽ cung cấp công nghệ, phía Việt Nam thực hiện các hoạt động như marketing, bán hàng. Điều này sẽ giúp việc kinh doanh thuận lợi khi tùy chỉnh theo nhu cầu của các bên, cũng như tương thích với các thị trường trong khu vực.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nir Barkat cũng từng chia sẻ với phía Bộ Công Thương Việt Nam về việc thành lập quỹ hợp tác, sử dụng ngân sách Chính phủ hai bên, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, các liên doanh. Israel đã có các quỹ hợp tác tương tự với Canada, Mỹ, theo ông Nir Barkat.
Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ ba, là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Cơ cấu mặt hàng của Israel và Việt Nam có sự bổ sung lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp.
Theo Bộ Công Thương, trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn là nước nhập siêu từ Israel. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm như điện thoại các loại và linh kiện, thủy hải sản, hạt điều, cà phê, giày dép, hạt tiêu, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ. Các sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ Israel là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, phân bón các loại, hàng rau quả.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ 2021. Nhập siêu của Việt Nam từ Israel có giá trị 656,5 triệu USD, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) đã được ký kết ngày 27/7 sau 7 năm năm với 12 phiên đàm phán.
Đức Minh