Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của HDBank (mã chứng khoán: HDB), tính đến 30/6/2023, tổng tài sản ngân hàng đạt 483.936 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; tổng huy động vốn đạt 430.123 tỷ đồng, tăng 17,4% so với đầu năm, trong đó huy động từ khách hàng đạt 309.645 tỷ đồng, tăng 44%. ROAA, ROAE lần lượt đạt trên 2% và trên 22%.
Tổng dư nợ của ngân hàng đạt trên 293.129 tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt gần 5.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nếu duy trì được hướng tăng trưởng lợi nhuận hiện tại, 2023 là năm thứ 10 liên tiếp HDBank tăng trưởng liên tục.
Khách hàng tới giao dịch tại một chi nhánh của HDBank. Ảnh: Minh Nhật
Đại diện ngân hàng này cho biết, nông nghiệp nông thôn là thị trường trọng điểm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngân hàng. Theo đó, việc đầu tư vào lĩnh vực này không chỉ giúp cải thiện đời sống người nông dân, mà còn góp phần vào sự ổn định và bền vững của nền kinh tế.
Thời gian qua, ngân hàng đã triển khai thành công tài trợ các chuỗi có quy mô lớn như chuỗi Lộc Trời, chuỗi CP, chuỗi Unilever... Đây cũng là khu vực tập trung khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), các hộ gia đình kinh doanh mà nhà băng này đang dành tới 143.000 tỷ đồng, tương đương hơn 52% tổng dư nợ để đáp ứng, tính đến 30/6.
"Không phải đến bây giờ HDBank mới coi cho vay nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng trong cơ cấu tín dụng. Việc sáp nhập DaiABank - ngân hàng có thế mạnh khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, từ trước đây đã giúp HDBank tăng độ phủ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn", đại diện nhà băng này chia sẻ.
Nông nghiệp nông thôn và các đô thị loại 2 là một trong các phân khúc chiến lược của HDBank. Ảnh: VGP/LN
Việc ưu tiên nguồn vốn cho vay trong nông nghiệp nông thôn cũng được nhà băng này ưu tiên, theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Chưa kể, ngành nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn lực vốn lớn để cải tiến công nghệ, máy móc, chuỗi cung ứng... nâng cao năng suất lao động toàn diện. Tham gia cho vay ở lĩnh vực này còn góp phần hỗ trợ ngành dịch chuyển ngành từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tiến tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...
Theo chiến lược này, ngân hàng còn ký hợp tác hàng trăm triệu USD nguồn vốn và hoạt động tư vấn từ nhiều tổ chức quốc tế như IFC (tập đoàn tài chính quốc tế), DEG (định chế tài chính phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức), Proparco (tổ chức tài chính phát triển của Pháp), Quỹ đầu tư Quốc tế Affinity... để tiếp động lực tài chính xanh cho ngành nông nghiệp Việt.
HDBank cũng chủ trương đẩy mạnh cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực động lực của nền kinh tế như nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, sản xuất kinh doanh, năng lượng tái tạo, các hoạt động cho vay dự án giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải CO2, xử lý/tái chế rác...
An Nhiên