Với quy định bảo mật trong giao dịch ngân hàng mới, người dùng cần cài đặt sinh trắc học bằng căn cước công dân gắn chip thông qua thiết bị điện thoại di động có tính năng NFC (Near-Field Communication). Tuy nhiên, đây cũng là rào cản đối với một số khách hàng bởi một số thiết bị điện thoại không hỗ trợ công nghệ NFC và hoặc người dân chưa chuyển đổi sang căn cước công dân gắn chip.

Do đó, BIDV xây dựng phương án hỗ trợ cài đặt bằng phần mềm chuyên dụng, trực tiếp tại các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc đối với trường hợp thiết bị không hỗ trợ NFC; chưa có căn cước công dân gắn chip và cá nhân là người nước ngoài.

image003-9568-1719547271.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NOjF9we75GrJkbayszOb9g

BIDV hỗ trợ khách hàng cập nhật bảo mật sinh trắc học tại chi nhánh, quầy giao dịch. Ảnh: BIDV

Người dùng khác có thể sử dụng tính năng "Cài đặt sinh trắc học" trên ứng dụng BIDV SmartBanking với ba bước:

Bước một: Chụp hai mặt của căn cước công dân gắn chip.

Bước hai: Đọc thông tin trên chip của căn cước công dân gắn chip bằng cách đặt lưng điện thoại gần với chip tại mặt sau của căn cước công dân. Lưu ý, vị trí đặt có thể khác nhau ở mỗi dòng thiết bị.

Bước ba: Chụp ảnh khuôn mặt để hoàn tất cài đặt.

Ngoài ra, khách hàng có thể đến chi nhánh BIDV gần nhất để được hỗ trợ cài đặt. Ngân hàng khuyến cáo khách hàng không cập nhật sinh trắc học qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro gian lận, lừa đảo.

image005-4483-1719547271.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VDpRuZceMQwB_9EhN7Pxhg

Người dùng có thể chủ động cập nhật trên ứng dụng BIDV SmartBanking. Ảnh: BIDV

Việc áp dụng phương thức xác thực giao dịch bằng sinh trắc học là biện pháp giúp người dân nâng cao nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ tài sản. Các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, tình trạng mua bán tài khoản, truy cập liên kết không rõ nguồn gốc, tải ứng dụng giả mạo, nghe tư vấn của kẻ xấu..., dẫn đến lộ thông tin cá nhân, mật khẩu ngân hàng điện tử, mã OTP, bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Do đó, bên cạnh phương thức xác thực sinh trắc học, BIDV thường xuyên cập nhật kiến thức về an toàn bảo mật, thủ đoạn lừa đảo mới. Khách hàng có thể theo dõi và tìm hiểu trên các kênh truyền thông chính thức của đơn vị, đặc biệt là trên kênh BIDV SmartBanking, để cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định bắt buộc áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt đối với các giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị trên 20 triệu đồng mỗi ngày, trước ngày 1/7.

Theo các chuyên gia bảo mật, sinh trắc học là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo. BIDV đã chủ động triển khai giải pháp thu thập sinh trắc học từ đầu năm nay. Quá trình này được tiến hành theo từng giai đoạn, kết hợp với truyền thông kiến thức về an toàn bảo mật giúp khách hàng làm quen với phương thức bảo mật mới.

Với các giao dịch cần xác thực sinh trắc học, bên cạnh phương thức xác thực bằng mã Smart, SMS OTP, khách hàng phải đối chiếu hình ảnh khuôn mặt thực tế của người đang thực hiện giao dịch đảm bảo khớp đúng với dữ liệu lưu trữ trong chip của căn cước công dân gắn chip.

"Việc bổ sung thêm lớp bảo mật sinh trắc học này sẽ giúp hạn chế tối đa các thủ đoạn mạo danh lừa đảo, chiếm quyền truy cập thiết bị hoặc đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản", đại diện BIDV chia sẻ.

Nhật Lệ

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022